Bạn là ?
Phỏng vấn là buổi gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của doanh nghiệp với các ứng viên. Chính vì thế mà những ấn tượng mà hai bên để lại cho nhau trong buổi phỏng vấn là rất quan trọng.
Các doanh nghiệp đều đã có CV ứng tuyển của các ứng viên từ trước. Tuy nhiên, chỉ nhìn vào CV thì rất khó để doanh nghiệp có thể đánh giá được ứng viên có thực sự phù hợp hay không. Đó cũng là lý do mà phía nhà tuyển dụng và ứng viên sẽ có một buổi phỏng vấn trước khi đưa ra quyết định là có hay không hợp tác.
Trong buổi phỏng vấn, cả hai bên sẽ đặt ra những câu hỏi. Tuy nhiên thường là phía nhà tuyển dụng hay doanh nghiệp sẽ đặt ra nhiều câu hỏi hơn. Sau đó dựa trên câu trả lời của đối phương để đưa ra những đánh giá. Nếu cả hai bên thực sự thấy phù hợp thì mới tiến đến những bước tiếp theo.
Có thể nói rằng, các câu hỏi trong quá trình phỏng vấn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chỉ khi doanh nghiệp xây dựng được một bộ câu hỏi phỏng vấn tiêu chuẩn đủ chất lượng thì mới có thể hiểu rõ ràng hơn về ứng viên và chọn được người thực sự xứng đáng.
Thông thường, độ dài của cuộc phỏng vấn sẽ phụ thuộc vào khối lượng câu hỏi được đặt ra. Và hầu hết các doanh nghiệp sẽ có một số mẫu câu hỏi chung dành cho các ứng viên của mình. Dưới đây sẽ là 10 câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất khi đi xin việc và gợi ý cách trả lời sao cho dễ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng mà bạn có thể tham khảo.
Trong các buổi phỏng vấn ứng viên thì đây luôn là câu hỏi được phía doanh nghiệp đưa ra đầu tiên. Thế nhưng nếu tinh ý, bạn sẽ phát hiện ra rằng các thông tin cơ bản đều đã được ghi trong CV ứng tuyển. Vậy nhà tuyển dụng muốn bạn giới thiệu như thế nào?
Trên thực tế, đây chỉ là câu hỏi mở màn, được đưa ra nhằm giúp ứng viên bắt nhịp được với cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, cũng rất nhiều nhà tuyển dụng dựa trên câu trả lời của các ứng viên khi giới thiệu bản thân để đánh giá sơ bộ.
Mỗi cuộc phỏng vấn được diễn ra đều có thời gian không quá dài. Vì thế nên nếu muốn được đi sâu để thể hiện kiến thức, kỹ năng chuyên môn thì ở phần này bạn nên trả lời đơn giản nhưng đảm bảo đủ ý và ấn tượng. Hãy khiến phần giới thiệu của mình trở nên đủ hấp dẫn để người phỏng vấn có hứng thú và tìm hiểu sâu hơn về bạn.
Bạn có thể giới thiệu lại một lần nữa tên tuổi của bản thân. Sau đó, hãy giới thiệu qua về quá trình học tập chuyên môn hoặc đề cập đến kiến thức, kỹ năng của mình đối vị trí đang ứng tuyển. Tuy nhiên bạn chỉ nên giới thiệu vắn tắt nhất có thể, lựa chọn những điểm thật nổi bật để tránh dài dòng nhé.
Ví dụ như khi bạn muốn phỏng vấn vị trí Video Editor và nhận được câu hỏi này, bạn có thể giới thiệu ngắn gọn như: “Em tên là A, em sinh năm 2000. Em đã có kinh nghiệm 1,5 năm tại vị trí tương đương tại một chuyên về truyền thông. Em có thể sử dụng thành thạo các phần mềm cắt ghép, edit và chỉnh sửa video. Ngoài ra em cũng biết quay chụp và sử dụng một số thiết bị phục vụ quay chụp chuyên nghiệp.”
Mục tiêu nghề nghiệp được xem là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp đánh giá được tầm nhìn của nhân sự. Nó cũng thể hiện được phần nào định hướng của các ứng viên đối với doanh nghiệp. Chính vì thế mà không ít đơn vị lựa chọn đưa câu hỏi này lên ngay đầu buổi phỏng vấn.
Đối với câu hỏi này, bạn chỉ cần đưa ra định hướng công việc cụ thể cũng như đích đến cuối cùng mà bạn muốn hướng tới là gì. Thoạt nghe khá đơn giản nhưng thực tế, đây lại là câu hỏi khiến rất nhiều ứng viên đau đầu.
Thực tế thì để gây được ấn tượng cũng như nhận được sự đánh giá cao của nhà tuyển dụng, các ứng viên không cần đưa ra những mục tiêu quá viển vông. Bạn có thể cân nhắc đến các mục tiêu ngắn hạn trước, có tính thực tế và gắn liền với những công việc của vị trí mà bạn ứng tuyển.
Sau đó nếu phía doanh nghiệp đưa ra các câu hỏi tiếp theo thì bạn có thể cân nhắc để làm rõ và trình bày những mục tiêu dài hơn. Điều này không chỉ giúp bạn thể hiện được định hướng mà còn đưa ra lộ trình phát triển mà bản thân bạn mong muốn. Doanh nghiệp cũng có thể căn cứ vào đây để đánh giá xem ứng viên có phù hợp hay không.
Có thể xét ví dụ về mục tiêu nghề nghiệp của một ứng viên video editor: “Với kinh nghiệm sẵn có, em có thể đáp ứng được mức độ cũng như áp lực công việc. Trong 1 tháng đầu, em sẽ hiểu về các sản phẩm của phía doanh nghiệp cũng như làm quen với các định hướng phát triển. Sau đó nâng cao tốc độ edit video và học thêm kiến thức về quay chụp chuyên nghiệp.”
Câu hỏi tiếp theo mà hầu hết các nhà tuyển dụng dành cho ứng viên của mình chính là tự nhận xét ưu - nhược điểm của bản thân. Đây cũng là câu hỏi khiến khá nhiều ứng viên lúng túng.
Rất nhiều người, nhất là những ứng viên còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm thường nghĩ rằng chỉ cần trình bày thật nhiều điểm mạnh là có thể ghi điểm với nhà tuyển dụng. Và cũng có nhiều ứng viên đã lạm dụng điều này, nói sai với thực tế, phóng đại những gì mà mình có.
Thế nhưng với nhà tuyển dụng thì việc nói nhiều hơn những gì bạn có thể chính là điểm trừ. Đối với điểm mạnh, hãy liệt kê ra những sở trường gắn liền với công việc của bạn. Còn đối với các điểm yếu, bạn vẫn có thể kể ra nhưng hãy khéo léo cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn đã và đang khắc phục nó.
Ví dụ như với một video editor, bạn có thể trả lời câu hỏi về điểm mạnh/ điểm yếu như sau: “Em có khả năng edit video, xử lý các hiệu ứng một cách thành thạo. Trong suốt thời gian làm việc, em đã học hỏi và thực hiện các dự án ở nhiều thể loại và lĩnh vực khác nhau. Các video cũng nhận được sự phản hồi tích cực của người dùng.
Tuy nhiên, em có một số điểm yếu như chưa có kinh nghiệm quay chụp. Và em cũng đang sắp xếp để có thể tham gia các khóa học cải thiện kỹ năng này rồi ạ.”
Sau khi đưa ra các câu hỏi để ứng viên có thể bắt nhịp với cuộc phỏng vấn thì nhà tuyển dụng sẽ đi sâu hơn. Và câu hỏi về doanh nghiệp sẽ là một trong số đó.
Đối với doanh nghiệp, các ứng viên có sự tìm hiểu từ trước về công ty sẽ được đánh giá cao hơn. Vì họ cho thấy là có sự quan tâm nhất định và nghiêm túc ứng tuyển tại vị trí này.
Và để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng thì bạn có thể giới thiệu sơ bộ về công ty như mình đã tìm hiểu được. Tuy nhiên không cần quá dài dòng mà chỉ cần ngắn gọn, xúc tích là được. Và trong trường hợp thông tin bạn biết được không quá nhiều nhưng muốn hiểu thêm về công ty thì bạn hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi cho người phỏng vấn.
Xét ví dụ cụ thể, ứng viên có thể trả lời như: “Em đã có tìm hiểu qua các thông tin về phía công ty mình. Theo em được biết thì bên mình là một Agency chuyên về truyền thông, sự kiện. Khối lượng cũng như chất lượng công việc bên mình đáp ứng được theo em thấy là rất tốt. Tuy nhiên, khối lượng thông tin em tìm được không quá nhiều. Vì vậy anh/chị có thể giới thiệu thêm về công ty để em hiểu qua về môi trường cũng như định hướng được không ạ?”
Câu hỏi về kinh nghiệm là một trong những câu hỏi nhằm xác định chuyên môn của ứng viên. Đây cũng là câu hỏi rất quan trọng nhằm đưa ra những nhận định ban đầu về năng lực của họ.
Đối với câu hỏi này, để trả lời nó một cách tốt nhất, các ứng viên hãy cứ chia sẻ kinh nghiệm thực tế của bản thân mình. Đừng cố nói gì quá cao siêu vì nếu bạn nói nhưng lại không biết làm thì khi nhà tuyển dụng hỏi sâu hơn về chuyên môn, bạn sẽ không thể thực hiện được.
Nếu bạn có ít hoặc chưa có kinh nghiệm thì có thể trả lời doanh nghiệp theo hướng muốn nghiêm túc học hỏi, phát triển bản thân ở vị trí này. Và hãy nhớ là những gì bạn trả lời nhà tuyển dụng và những gì được ghi trong CV không nên khác nhau quá nhiều.
Ví dụ như một ứng viên video editor chưa có quá nhiều kinh nghiệm có thể trả lời như sau: “Em đã được đào tạo chuyên ngành này và có được tiếp xúc, va chạm cũng như thực hiện một số dự án. Tuy nhiên, em chưa có nhiều cơ hội để làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp như công ty mình. Và em hy vọng rằng mình sẽ có được cơ hội để thử sức với vị trí này tại doanh nghiệp.”
Đây là câu hỏi khiến rất nhiều ứng viên khó xử và không biết nên trả lời thế nào cho hợp lý. Thế nhưng thực tế thì nó không khó đến vậy.
Khi đặt ra câu hỏi này, các doanh nghiệp cũng muốn ứng viên tự đánh giá về bản thân mình. Bên cạnh đó là nghiêm túc nhìn nhận xem mình có thực sự muốn làm việc tại vị trí này hay không.
Vậy nên để có được một câu trả lời thông minh cho câu hỏi này không hề khó. Bạn chỉ cần đưa ra những sở trường của mình, kinh nghiệm ở một vị trí tương đương. Bên cạnh đó chính là thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn nghiêm túc lựa chọn công việc này.
Bạn có thể trả lời câu hỏi này của nhà tuyển dụng như sau: “Em đã có kinh nghiệm 1,5 năm ở vị trí video editor cho một agency truyền thông. Vì thế nên em hiểu được quy trình cũng như cách để hoàn thiện dự án một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, em cũng đang theo học chuyên sâu và có định hướng phát triển tiếp trong mảng edit. Và với những điều đó thì em nghĩ là mình hoàn toàn có thể đáp ứng được và phù hợp với vị trí này.”
Đây được xem là câu hỏi khá nhạy cảm trong quá trình phỏng vấn. Và nó cũng là một trong các câu hỏi khiến nhiều ứng viên để lại ấn tượng không tốt trong mắt nhà tuyển dụng.
Nó không chỉ cho thấy được mối quan hệ, cách ứng xử của bạn mà còn thể hiện được sự khôn khéo. Vì thế nên tuyệt đối không nhắc đến các lý do như bất đồng với đồng nghiệp cũ, với sếp; nội quy khắt khe,... hay những gì tương tự.
Thay vào đó, bạn nên cân nhắc đưa ra những lý do hợp lý hơn. Có thể kể đến như định hướng phát triển của công ty không còn phù hợp, bạn muốn thử sức ở một vị trí có nhiều thử thách hơn để học hỏi và phát triển,... Những câu trả lời này sẽ giúp bạn gây được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Để họ thấy rằng bạn thực sự đang muốn tìm một môi trường tốt để phát triển và gắn bó lâu dài.
Ví dụ cụ thể về câu trả lời cho câu hỏi này mà bạn có thể tham khảo như: “Em lựa chọn nghỉ việc tại công ty cũ là do định hướng của doanh nghiệp có sự thay đổi. Và sự thay đổi đó thì lại không còn phù hợp với em nữa. Vị trí và công việc của em tại công ty cũ không có nhiều đột phá nên cơ hội thăng tiến không nhiều. Vì thế nên em mong có thể tìm được một môi trường tốt, năng động và có thể gắn bó lâu dài ạ.”
Khi đã hiểu được cơ bản về năng lực cũng như kinh nghiệm của ứng viên, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu trao đổi tới chính sách và chế độ. Mức lương sẽ là câu hỏi đầu tiên của phần này.
Hầu hết các doanh nghiệp đều sẽ có những câu hỏi trước đó về mức thu nhập của bạn ở công ty cũ. Sau đó, họ sẽ dựa vào đó cũng như mức lương mong muốn của bạn để tiến hành trao đổi.
Để có thể trả lời tốt câu hỏi này, bạn nên tìm hiểu về mặt bằng chung mức lương trên thị trường trước. Khi đó bạn sẽ biết được dải lương chung cho kinh nghiệm và năng lực của mình là từ bao nhiêu.
Bạn cũng nên trao đổi thẳng thắn với phía doanh nghiệp để có thể dung hòa và đi đến thỏa thuận tốt nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng nên trao đổi thêm xem mức lương này là lương gross hay lương net và liệu đã bao gồm các khoản phí cũng như bảo hiểm hay chưa.
Xét ví dụ cụ thể về vị trí ứng viên video editor tại doanh nghiệp. Với 1 video editor có kinh nghiệm 1,5 năm trên thị trường hiện nay là khoảng 12 đến 15 triệu đồng/ tháng. Vì thế nên ứng viên có thể trả lời như sau: “Với khối lượng công việc, kinh nghiệm cũng như kỹ năng chuyên môn của mình, em hy vọng có thể nhận được mức lương là 13 triệu/ tháng.”
Kế hoạch nào cũng sẽ có sự thay đổi, rủi ro hoặc thậm chí là chuyển hướng. Vì thế nên cũng không có gì là chắc chắn tuyệt đối. Câu trả lời cho câu hỏi trên cũng vậy.
Hầu hết các doanh nghiệp đều muốn hạn chế tối đa sự thay đổi về nhân sự. Tuy nhiên, nếu bạn đưa ra lời khẳng định quá chắc chắn thì cũng sẽ không nhận được sự đánh giá cao.
Với câu hỏi này, bạn nên đưa ra những câu trả lời thông minh, khéo léo một chút và theo hơi hướng tích cực. Bạn có thể thể hiện sự nhiệt huyết của mình, tuy nhiên đừng đưa ra một thời hạn cụ thể nào cả.
Ví dụ như: “Em nhận thấy công ty mình có định hướng phát triển rất tốt và rõ ràng. Chính vì thế nên nếu được chọn, em hy vọng có thể gắn bó trong thời gian lâu nhất có thể với công ty ạ.”
Đây thường là những câu hỏi ở cuối buổi phỏng vấn, khi các ứng viên và doanh nghiệp đã trao đổi hết các vấn đề cần thiết. Khá nhiều ứng viên lo lắng rằng liệu trả lời là không thì có bị đánh giá không tốt hay không?
Tuy nhiên trên thực tế thì bạn không cần quá lo lắng với những câu hỏi như thế này. Nếu còn thắc mắc bạn cứ mạnh dạn đưa ra câu hỏi. Ví dụ như về quy trình làm việc, môi trường và đồng nghiệp,... hay những điều tương tự. Ví dụ như: “Sau khi nghe anh/chị giới thiệu thì em cũng đã hiểu phần nào. Tuy nhiên em còn một số thắc mắc về quy trình làm việc và báo cáo. Không biết là anh/chị có thể làm rõ giúp em được không ạ?”
Còn trong trường hợp bạn đã hỏi hết các vấn đề này và không còn thắc mắc thì bạn cũng có thể kết thúc cuộc trò chuyện. Bạn cũng có thể trả lời như: “Các vấn đề em thắc mắc thì em đã được giải đáp ngay trong cuộc trò chuyện rồi ạ. Vậy nên ở thời điểm hiện tại, em không còn thắc mắc nữa ạ.”
Phỏng vấn cũng chính là lúc cả 2 bên có thể đưa ra những đánh giá sơ bộ và chân thực nhất về đối phương. Vì thế nên ứng viên hãy trả lời thật chính xác, trung thực và đơn giản nhưng đảm bảo đủ thông tin nhé.
Trên đây là bộ 10 câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất cũng như gợi ý về cách trả lời mà ứng viên có thể tham khảo. Hy vọng rằng với những gợi ý này, các ứng viên có thể cân nhắc để có được buổi phỏng vấn thành công.
Câu hỏi phỏng vấn đóng vai trò rất quan trọng, giúp doanh nghiệp có thể hiểu hơn về ứng viên. Từ đó chọn được người thực sự phù hợp.
Các câu hỏi của từng doanh nghiệp sẽ có đôi chút khác biệt. Tuy nhiên nhìn chung thì một số câu hỏi quan trọng như các câu hỏi cá nhân, mục tiêu, kinh nghiệm, mức lương,... thì doanh nghiệp nào cũng sẽ đặt ra.
Đối với mỗi câu hỏi, các ứng viên cần có sự ứng biến nhất định để đưa ra những câu trả lời thông minh nhất.
Mẫu CV hot theo ngành nghề