Bạn là ?
Nhập liệu bằng giọng nói được hiểu là việc sử dụng các thiết bị, phần mềm có tính năng nhận dạng giọng nói trực tuyến để tự động chuyển giọng nói thành văn bản theo thời gian thực.
Ngày nay khi công nghệ ngày càng phát triển thì việc nhập liệu bằng giọng nói cũng trở nên dễ dàng, hầu hết các thiết bị hiện nay đều có tích hợp tính năng này, giúp hỗ trợ tối đa nhu cầu soạn thảo văn bản của người dùng.
Nhập liệu bằng giọng nói mang đến nhiều lợi ích cho người dùng, cụ thể:
* Đẩy nhanh tốc độ nhập dữ liệu/soạn thảo văn bản
Các phần mềm cho phép nhập liệu bằng giọng nói hiện nay đều có chức năng chuyển đổi giọng nói thành dữ liệu một cách nhanh chóng, tương đương với thời gian thực, hiển thị ngay trên màn hình thiết bị sau khi nói. Do đó đặc biệt phù hợp với những trường hợp phải soạn thảo văn bản với khối lượng và số lượng dài, các trường hợp khẩn cấp hoặc ngành nghề, vị trí đặc thù.
Ví dụ: Đối với phóng viên, thường xuyên phải tham gia các buổi phỏng vấn, ghi âm ghi hình trực tiếp thì công cụ nhập liệu bằng giọng nói sẽ giúp cho họ ghi lại được đầy đủ những dữ liệu cần thiết trong buổi phỏng vấn đó để làm tư liệu, tránh trường hợp bỏ sót thông tin. Đồng thời cũng giúp cho phóng viên giảm bớt một công việc là đánh lại các thông tin trong buổi phỏng vấn sang dạng chữ, tiết kiệm thời gian và tăng tính hiệu quả trong công việc.
Hoặc đối với sinh viên Đại học, có thể sử dụng cách nhập liệu bằng giọng nói để ghi lại bài giảng của thầy cô, vừa giúp tiết kiệm thời gian ghi bài để tập trung kiến thức vừa giúp nắm bắt đầy đủ thông tin, tránh lỡ mất các kiến thức quan trọng.
* Giảm tình trạng lỗi, dễ dàng kiểm tra sai sót ngay tức thì
Đối với các trường hợp soạn thảo hoặc nhập dữ liệu bằng tay, việc xảy ra lỗi đánh máy là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên đối với một số ngành nghề đặc biệt như xuất bản, báo chí, biên tập hoặc kế toán, tài chính thì đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.
Nhập liệu bằng giọng nói sẽ giúp cho người làm việc dễ dàng kiểm tra lại lỗi và sửa ngay tức khắc, đồng thời cũng hạn chế được tình trạng bỏ sót như khi kiểm tra lỗi đánh máy thông thường.
* Giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình làm việc
Nhập liệu bằng giọng nói là một trong những cách giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi trong quá trình làm việc, đặc biệt là đối với những ai phải soạn thảo, nhập dữ liệu nhiều. Đối với những trường hợp phải gõ văn bản bằng tay nhiều, trong lúc nghỉ tay có thể tranh thủ sử dụng cách nhập liệu bằng giọng nói, vừa có thể giảm sự mệt mỏi vừa không làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, nhập liệu bằng giọng nói còn có thể kích thích sự sáng tạo, mang đến cảm giác hứng thú, vui vẻ giúp quá trình làm việc trở nên hiệu quả và thoải mái hơn.
* Phù hợp với một số ngành nghề và trường hợp đặc biệt
Như đã chỉ ra ở trên, trong một số nghề nghiệp nhất định như phóng viên, tài chính ngân hàng, tổ chức sự kiện… hoặc khi cần tập trung vào công việc, sự ảnh khác thì nhập liệu bằng giọng là vô cùng cần thiết.
Đây cũng là giải pháp hữu ích cho những trường hợp người sử dụng gặp các vấn đề như khuyết tật hoặc bị thương, không thể trực tiếp soạn thảo văn bản theo cách thông thường.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, ngày càng có nhiều cách nhập liệu bằng giọng nói, người dùng có thể thực hiện trên máy tính hoặc ngay trên điện thoại.
Các dòng máy tính hiện nay đều có chức năng nhập liệu bằng giọng nói, tuy nhiên tùy vào từng hệ điều hành mà cách thức thực hiện sẽ có phần khác nhau. Dưới đây là hai cách nhập liệu bằng giọng nói trên máy tính cho 2 hệ điều hành phổ biến là Win 10 và Win 11.
Cách nhập liệu bằng giọng nói trên Win 10 vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Nhấn tổ hợp phím Windows + H để mở thanh công cụ đọc chính tả và kiếm tra tính năng này trên máy tính đã được cài đặt hay chưa.
Nếu như máy tính của bạn chưa cài đặt tính năng này thì thực hiện theo các bước sau: Vào phần setting, chọn tìm kiếm và nhấn tìm Speech privacy settings, sau đó tích chọn bật tính năng này lên.
Nếu tính năng này đã được kích hoạt, sau khi nhấn tổ hợp phím trên, màn hình sẽ hiển thị như sau:
- Bước 2: Sau khi đã mở tính năng này, bạn ấn vào nút micro để có thể bắt đầu đọc nội dung cần chuyển thành văn bản.
- Bước 3: Khi muốn ngừng đọc, bạn có thể ấn lại vào nút hoặc nói “Ngừng đọc chính tả”.
Tương tự như vậy, với hệ điều hành Win 11, trước khi bắt đầu nhập liệu giọng nói, bạn cũng cần cần đặt và thiết lập micro để đảm bảo máy tính đã được cài đặt nhận dạng giọng nói.
Việc thiết lập micro được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chọn nút biểu tượng Windows trên bàn phím hoặc ấn vào màn hình, sau đó chọn Cài đặt, chọn Thời gian và Ngôn ngữ, sau đó chọn Giọng nói
Bước 2: Trong mục Micro, nhấn chọn Bắt đầu.
Sau khi đã thiết lập, trình nhập giọng nói sẽ tự động bắt đầu và bạn có thể sử dụng tính năng này để soạn thảo văn bản. Cách nhập liệu bằng giọng nói trên Win 11 cũng được tiến hành tương tự như trên Win 10.
Để bắt đầu nhập liệu văn bản bằng giọng nói, bạn cũng ấn tổ hợp phím Window + H. Khi đó, màn hình sẽ hiển thị ra thanh công cụ nhận diện giọng nói, bạn chỉ cần nhấn vào biểu tượng micro trên màn hình là có thể sử dụng tính năng này.
Nếu muốn ngừng nhập liệu, bạn chỉ cần nói lệnh “Dừng nghe” hoặc nhấn nút micro trên thanh công cụ nhận diện giọng nói.
Như vậy có thể thấy dù ở trên hệ điều hành Win 10 hay Win 11 thì cách nhập liệu bằng giọng nói cũng vô cùng dễ thực hiện, chỉ bằng vài thao tác đơn giản.
* Lưu ý: Tuy nhiên với từng hệ điều hành bạn cần chú ý một số nội dung như sau:
- Đối với hệ điều hành Win 10 hiện nay, mới chỉ hỗ trợ 7 ngôn ngữ là tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Italy, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha. Trong khi đó với hệ điều hành Win 11 hiện nay đã hỗ trợ đến 45 ngôn ngữ, trong đó có cả tiếng Việt.
- Để chỉnh sửa và xóa văn bản, bạn cần chú ý đến cả các lệnh nhập bằng giọng nói. Lệnh nhập bằng giọng nói ở hệ điều hành Win 10 có thể sẽ khác lệnh nhập bằng giọng nói ở hệ điều hành Win 11.
Smartphone ngày càng trở thành công cụ không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, các sản phẩm điện thoại hiện nay đều có tính năng nhận diện giọng nói để người dùng có thể sử dụng bất cứ lúc nào.
Tương tự như máy tính, tùy vào dòng sản phẩm và hệ điều hành của điện thoại mà cách nhập liệu bằng giọng nói cũng sẽ khác nhau. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách thực hiện trên hai hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới là Android và iOS.
Android là hệ điều hành được sử dụng cho hầu hết các dòng điện thoại hiện nay, trừ iPhone. Mỗi hãng điện thoại sẽ có kết cấu khác nhau nhưng do có chung một hệ điều hành nên các bước thực hiện sẽ không có quá nhiều khác biệt.
Trước khi nhập dữ liệu bằng giọng nói, bạn nên kiểm tra xem tính năng này đã được cài đặt hoặc kích hoạt hay chưa. Thông thường chỉ cần kích hoạt lần đầu tiên, những lần sau bạn có thể trực tiếp sử dụng. Các bước kích hoạt được tiến hành như sau:
Bước 1: Mở Cài đặt trên điện thoại, sau đó chọn Ngôn ngữ và bàn phím và tiếp tục chọn mục Bàn phím
Bước 2: Chọn Bàn phím trên màn hình, tiếp tục chọn Nhập liệu bằng giọng nói của Google và thực hiện theo các bước trên màn hình để cài đặt tính năng này.
Sau khi đã kích hoạt tính năng này trên điện thoại, vào những lần sau có thể trực tiếp sử dụng.
Để nhập dữ liệu bằng giọng nói, bạn chỉ cần mở bàn phím, nhấn vào biểu tượng micro trên màn hình, sau đó bắt đầu đọc nội dung cần nhập. Cuối cùng bạn tiếp tục ấn vào biểu tượng micro để hoàn tất quá trình nhập nội dung.
Cấu hình của từng dòng điện thoại (ví dụ Samsung, Xiaomi, Oppo…) thường có đặc điểm riêng nên giao diện khi nhập dữ liệu có thể khác nhau, thế nhưng về các bước thực hiện được tiến hành tương tự.
Xem thêm: Cách vào VnEdu tra cứu điểm và hướng dẫn cách tra điểm VnEdu
Ngoài Android, iOS cũng là một trong hai hệ điều phổ biến nhất trên thế giới. Hệ điều hành này được sử dụng cho các sản phẩm của Apple như iPhone và iPad.
Để có thể soạn thảo văn bản/nhập liệu bằng giọng nói trên iPhone và iPad, trước tiên bạn cũng cần kiểm tra xem thiết bị của mình đã cài đặt hoặc kích hoạt tính năng này chưa. Nếu đã cài đặt thì có thể mặc định sử dụng, còn nếu chưa vui lòng làm theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào mục Cài đặt trên điện thoại, chọn Cài đặt chung
Bước 2: Chọn Ngôn ngữ & Vùng, sau đó tiếp tục chọn Vùng và chọn Việt Nam
Bước 3: Quay lại phần Cài đặt chung và chọn mục Bàn phím, sau đó ấn vào Bật tính năng Đọc chính tả.
Sau khi đã cài đặt tính năng này, trong các lần tiếp theo bạn chỉ cần trực tiếp sử dụng mà không cần phải cài đặt lại nữa. Để nhập dữ liệu bằng giọng nói trên iPhone, bạn chỉ cần mở bàn phím ảo trên điện thoại, nhấp vào biểu tượng micro và ghé sát vào màn hình điện thoại và nói nội dung cần nhập.
Phía trên là những cách nhập liệu bằng giọng nói phổ biến và thông dụng nhất, được hầu hết mọi người sử dụng. Tuy nhiên trong một số trường hợp liên quan đến công việc, ví dụ như nhập liệu trên nền tảng Word hoặc Google Doc, việc thực hiện sẽ không giống như thông thường.
Khi sử dụng Word, người dùng có thể thực hiện trực tiếp ngay trên nền tảng này mà không thông qua công cụ của máy tính.
Để thực hiện, bạn làm theo các bước sau:
Bước 1: Mở Word và chọn Dictate
Bước 2: Ấn vào biểu tượng Cài đặt và chọn ngôn ngữ mong muốn
Bước 3: Ấn vào biểu tượng micro và nói nội dung cần nhập, màn hình hiển thị nội dung tương ứng
Bên cạnh Word thì Google Docs cũng là một trong những ứng dụng thường được sử dụng nhiều trong công việc và cuộc sống. Dưới đây là cách nhập liệu bằng giọng nói trên Google Docs.
Bước 1: Mở Google Docs, trên thanh công cụ chọn Công cụ, sau đó ấn chọn Nhập liệu bằng giọng nói hoặc sử dụng tổ hợp phím tắt Ctrl + Shift + S.
Bước 2: Chọn Ngôn ngữ cần nhận dạng là tiếng Việt
Bước 3: Ấn vào biểu tượng Micro và bắt đầu nói nội dung cần nhập
Bước 4: Tiếp tục ấn vào biểu tượng Micro sau khi đã nói xong nội dung cần nhập và muốn kết thúc.
Hiện nay hầu hết trên các sản phẩm như máy tính, laptop, điện thoại hay máy tính bảng đều đã tích hợp tính năng nhập dữ liệu bằng giọng nói người dùng thường sử dụng trực tiếp. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số phần mềm như Voice to text, Voice Text, V-IONE, Laban Key…
Các phần mềm này đều có thể dễ dàng cài đặt và sử dụng trên nhiều thiết bị như máy tính, điện thoại. Do đó bạn có thể cân nhắc trong trường hợp không thể sử dụng các tính năng sẵn có trên thiết bị của mình.
Xem thêm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Tất tần tật những thông tin nên biết mới nhất
Dù nhập liệu bằng giọng nói đang ngày càng được sử dụng phổ biến nhưng nó vẫn có những hạn chế nhất định.
* Những hạn chế khi nhập liệu bằng giọng nói
- Người mới sử dụng khó làm quen: Các nhà cung cấp hiện nay đều đưa ra cam kết và quảng cáo rằng công cụ/phần mềm nhập liệu bằng giọng nói của mình dễ cài đặt và có thể ngay lập tức sử dụng sau khi thiết lập chỉ vài phút. Thế nhưng trên thực tế, người dùng đều phản ánh rằng thời gian đầu khi mới cài đặt, phải mất một khoảng thời gian để phần mềm đó làm quen, ghi nhận thông tin về giọng nói, âm vực và tốc độ của người dùng. Có nhiều trường hợp người dùng phải nhắc lại từ 2 đến 3 lần mới có thể nhận dạng và ghi chính xác nội dung.
- Chưa thực sự ổn định nên có thể ảnh hưởng đến công việc: Trong quá trình sử dụng, có nhiều vấn đề như đường truyền, đang nói bị ngắt quãng hoặc nhập sai dữ liệu… có thể khiến cho người dùng cảm thấy khó chịu. Đặc biệt đối với một số công việc liên quan đến sáng tạo như viết lách có thể làm mất cảm hứng.
- Kho từ vựng còn hạn chế: Vấn đề từ vựng cũng là một hạn chế đối với các công cụ/phần mềm nhập liệu, một số trường hợp kho từ vựng của phần mềm quá cũ và không được cập nhập thường xuyên, việc nói một từ mới có thể khiến cho tốc độ nhận diện chậm hơn bình thường, thậm chí không thể nhận diện được.
- Khó nhận diện giọng nói: Ngoài vấn đề từ vựng, việc nhận diện âm điệu của từng vùng miền cũng là một hạn chế với các công cụ/phần mềm nhập liệu bằng giọng nói. Một số âm điệu mang tính chất địa phương (ví dụ như Nghệ An, Quảng Nam) có thể gây khó khăn và khiến việc nhập dữ liệu bị sai.
- Vẫn còn trường hợp nhập sai dữ liệu: Như đã chỉ ra, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc nhận diện giọng nói gặp vấn đề, từ đó dẫn đến nhập sai dữ liệu khiến cho việc soạn thảo văn bản gặp lỗi.
Điều này khiến cho người dùng vừa phải kiểm tra lại thông tin đồng thời biên tập lại những lỗi sai do phần mềm nhập nhầm, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ của công việc.
* Hướng khắc phục các hạn chế
Những hạn chế trên đa phần đều đến từ việc một số phần mềm/công cụ nhập liệu còn có nhiều hạn chế về công nghệ, kỹ thuật, chưa thể bắt kịp để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người dùng.
Muốn khắc phục các hạn chế này, người dùng tham khảo một số cách sau:
Trong quá trình đọc nội dung, cố gắng đọc to, rõ ràng để phần mềm/công cụ có thể nhận dạng thông tin một cách tốt nhất.
Điều chỉnh phần cài đặt của phần mềm, công cụ sao cho phù hợp với tông giọng, âm điệu của bản thân.
Thường xuyên cập nhật phần mềm/công cụ để cải thiện tính năng, loại bỏ các phần mềm lỗi.
Lựa chọn các phần mềm/công cụ chuyển lời nói thành văn bản của các nhà cung cấp uy tín. Ngoài các phần mềm, tính năng có sẵn trên điện thoại, nếu làm những công việc đòi hỏi độ chính xác và chuyên nghiệp cao, bạn có thể cân nhắc sử dụng các phần mềm chuyển đổi giọng nói chuyên dụng với nhiều tính năng để tăng độ chính xác hơn.
Nhập liệu bằng giọng nói tuy đã có từ lâu nhưng đến nay mới thực sự phát triển, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiện ích này còn có thể phát triển hơn nữa trong tương lai. Nhập liệu bằng giọng nói trở thành một phần không thể thiếu của công nghệ giọng nói, do đó cùng với sự phát triển của công nghệ này, việc nhập liệu ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống.
Nhập liệu bằng giọng nói không chỉ được sử dụng trong công việc hay soạn thảo văn bản đơn giản (nhắn tin, ghi chú…) mà còn được ứng dụng linh hoạt hơn, ví dụ như trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thay vì gõ từ khóa, người dùng có thể trực tiếp sử dụng giọng nói để tra cứu và tìm kiếm sản phẩm trên các app thương mại điện tử.
Nhiều phần mềm, thiết bị điện tử hiện nay cũng đã tích hợp thêm các tính năng để nhận diện và chuyển giọng nói thành văn bản, đồng thời cho phép nhập liệu giọng nói để điều khiển chức năng, sử dụng sản phẩm.
Công nghệ này cũng hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho cả người khuyết tật, giúp cho họ có thể dễ dàng thực hiện các chức năng của thiết bị điện tử, dễ dàng sử dụng và thực hiện công việc như người bình thường.
Trong tương lai, nhập liệu bằng giọng nói không chỉ đơn thuần sử dụng trong công việc mà còn có thể được tích hợp với công nghệ giọng nói để thực hiện đồng thời cả các chức năng quản lý và điều khiển.
Tại Việt Nam, xu thế sử dụng nhập liệu bằng giọng nói cũng ngày càng trở nên phổ biến, bắt kịp với xu thế chung của toàn thế giới. Đặc biệt với giai đoạn Việt Nam đang thực hiện các chính sách phát triển công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, nhập liệu bằng giọng nói nói riêng và công nghệ giọng nói nói chung sẽ ngày càng được chú trọng và đầu tư.
Các phần mềm, công cụ nhận dạng và chuyển đổi giọng nói thành văn bản đang ngày càng được hoàn thiện để có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày một lớn của người dân và hoàn thiện sao cho phù hợp với tình hình của Việt Nam.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong tương lai việc ứng dụng công nghệ nhập liệu bằng giọng nói sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công việc và các hoạt động đời sống của con người như giúp người già đọc báo, đọc tin nhắn khi lái xe…
Cách nhập liệu bằng giọng nói không hề phức tạp và ngày càng được ứng dụng nhiều trong cuộc sống. Các phần mềm nhập liệu hiện nay cũng dần được hoàn thiện để khắc phục lỗi thường gặp và trở nên tối ưu hơn.
Mẫu CV hot theo ngành nghề