Đóng góp bởi: CEO Tony Vũ
Ngày xuất bản: Thứ Hai, 10/06/2024 22:30:00 +07:00 Theo dõi Job3s trên Job3s Google News
1 lượt xem
7 phút đọc

Chia sẻ cách xin nghỉ việc đột xuất khéo léo, không khiến sếp phật lòng

Cách xin nghỉ việc đột xuất vừa khéo léo vừa thể hiện sự chuyên nghiệp là điều được nhiều người quan tâm. Nếu xin nghỉ không khéo, bạn có thể gây ấn tượng xấu với sếp, thậm chí bị từ chối yêu cầu. Ngược lại, cách xin nghỉ lịch sự với lý do thuyết phục giúp bạn dễ dàng được chấp thuận mà không ảnh hưởng đến công việc hay các mối quan hệ.

1. Tại sao nên xin nghỉ việc đột xuất một cách khéo léo?

Trước khi bàn đến cách xin nghỉ việc đột xuất, hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao nên chú ý thực hiện việc này một cách khéo léo.

1.1. Bảo vệ quyền lợi cá nhân

Mỗi tổ chức, công ty, doanh nghiệp đều có chế độ nghỉ phép nhất định cho người lao động. Tùy theo quy định của nơi làm việc, thời hạn xin nghỉ việc của nhân viên sẽ khác nhau. Khi bạn cần nghỉ đột xuất, cách xin khéo léo vừa giúp bạn được hưởng đầy đủ các chế độ vừa bảo vệ quyền riêng tư khi bạn không muốn bị lộ nguyên nhân xin nghỉ.

1.2. Gây ấn tượng tốt với cấp trên

Khi phải xin nghỉ việc đột xuất thường là những trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, nếu bạn thể hiện sự chuyên nghiệp, thái độ lịch sự lúc xin nghỉ sẽ tạo được thiện cảm với sếp. Qua đó cũng cho thấy nhã ý của bạn và sự tôn trọng dành cho cấp trên.

1.3. Không gây ảnh hưởng công việc

Mỗi người đều giữ vai trò, chịu trách nhiệm như một mắt xích trong chuỗi công việc. Việc xin nghỉ đột xuất của bạn nếu không có sự hỗ trợ của đồng nghiệp sẽ làm ảnh hưởng đến các vị trí liên quan. Do đó, với cách xin nghỉ việc đột xuất mà lại khéo léo, đồng nghiệp sẽ hiểu tình huống bất ngờ mà bạn gặp phải để sắp xếp, điều chỉnh phù hợp, tránh làm đình trệ công việc chung.

Bạn nên có cách xin nghỉ việc đột xuất sao cho khéo léo để nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ từ đồng nghiệp
Bạn nên có cách xin nghỉ việc đột xuất sao cho khéo léo để nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ từ đồng nghiệp​

2. Các lý do xin nghỉ việc đột xuất thuyết phục nhất

Dù xin nghỉ phép hay nghỉ việc đột xuất, bạn đều cần có sự đồng ý của cấp trên. Bạn cần đưa ra lý do chính đáng để được chấp thuận. Dưới đây là 3 lý do phổ biến, thuyết phục nhất khi xin nghỉ đột xuất.

2.1. Lý do sức khỏe

Ngay cả khi bạn rất chú ý chăm sóc sức khỏe thì vẫn có lúc bạn cảm thấy cơ thể mệt mỏi và muốn ở nhà nghỉ ngơi. Hoặc bạn bị cảm cúm bất chợt, bị thương do va chạm bất ngờ, việc phải xin nghỉ đột xuất là đương nhiên.

Nếu bạn cố gắng đi làm với tình trạng tinh thần và thể chất không tốt, chắc chắn sẽ khiến năng suất, hiệu quả làm việc của bạn kém đi. Đây cũng là điều các sếp không hề mong muốn nên dễ dàng đồng ý. Dù vậy, bạn vẫn cần biết cách xin nghỉ ốm đột xuất tinh tế, khéo léo, tránh bị hiểu lầm lợi dụng lý do sức khỏe để trốn việc.

2.2. Lý do gia đình

Gia đình xảy ra chuyện bất ngờ là điều không thể đoán trước. Trường hợp bạn nhất định phải có mặt để giải quyết thì cách xin nghỉ việc đột xuất tốt nhất là trung thực nói với cấp trên. Hầu hết các sếp đều thông cảm và hiểu cho bạn trong những tình huống như vậy. Hơn nữa, sếp cũng không muốn sự mất tập trung của bạn làm ảnh hưởng đến công việc chung của tập thể.

2.3. Lý do cá nhân

Ngoài hai lý do trên, đôi khi bạn phải xin nghỉ vì lý do cá nhân. Chọn cách xin nghỉ việc đột xuất 1 ngày là hợp lý nhất cho những lúc như vậy. Hãy đưa ra một lý do phù hợp và đảm bảo hoàn thành công việc của ngày hôm đó để thuyết phục sếp tin tưởng, chấp nhận cho bạn nghỉ. Trường hợp bạn không thể giải quyết việc cá nhân trong 1 ngày, đừng quên xin phép nghỉ thêm với lý do chính đáng.

3. Cách xin nghỉ việc đột xuất chuyên nghiệp và khéo léo

Để xin nghỉ việc, bạn có thể gọi điện thoại, nhắn tin hoặc gửi email cho người trực tiếp quản lý của mình. Với trường hợp xin nghỉ đột xuất, bạn nên ưu tiên hình thức gọi điện hay nhắn tin điện thoại vì email có thể bị bỏ lỡ nếu sếp không kiểm tra. Nhưng dù là hình thức nào, tham khảo cách xin nghỉ việc đột xuất dưới đây để dễ nhận được sự chấp thuận và không gây khó chịu cho cấp trên.

  • Chào hỏi: Đầu tiên, hãy thể hiện sự tôn trọng với cấp trên bằng lời chào thân thiện.

  • Nêu lý do và thời gian xin nghỉ: Trình bày ngắn gọn vì sao bạn cần nghỉ như do bệnh, học tập, gia đình,... Bạn cũng nên thông báo cụ thể muốn nghỉ bao lâu ( nửa ngày, một ngày, từ ngày nào đến ngày nào).

  • Nói rõ nghỉ có lương hay không: Trường hợp bạn còn phép thì có thể nói rõ ràng để không ảnh hưởng đến tiền lương của bạn. Nếu bạn đã sử dụng hết phép thì xin nghỉ không lương.

  • Đề xuất hướng giải quyết công việc: Dù xin nghỉ một ngày hay nhiều ngày thì bạn vẫn nên cho cấp trên biết mình làm gì để công việc không bị chậm trễ, gián đoạn. Ví dụ: bàn giao cho đồng nghiệp, làm việc từ xa,...

  • Thể hiện mong muốn nhận được phản hồi sớm và cảm ơn: Bạn nên biểu lộ sự tôn trọng và biết ơn với cấp trên với câu “cảm ơn”. Ngoài ra, hãy khéo léo nhắc sếp vui lòng hồi đáp sớm để bạn sắp xếp kế hoạch.

Ví dụ một tin nhắn/email xin nghỉ việc đột xuất:

Em chào chị Thúy,

Em muốn xin phép chị nghỉ ngày mai 15/6 để đi bệnh viện khám do em bị đau bụng âm ỉ 2 ngày nay nhưng uống thuốc không đỡ.

Công việc ngày mai em sẽ bàn giao và nhờ Hương hỗ trợ trong thời gian em vắng mặt.

Em mong chị chấp thuận cho em nghỉ phép. Mong sớm nhận được phản hồi từ chị.

Em cảm ơn chị nhiều!

Tham khảo ngay các mẫu xin nghỉ việc đột xuất giúp bạn dễ dàng được cấp trên chấp thuận
Tham khảo ngay các mẫu xin nghỉ việc đột xuất giúp bạn dễ dàng được cấp trên chấp thuận

4. Những điều cần lưu ý khi xin nghỉ việc đột xuất

Ngoài áp dụng cách xin nghỉ việc đột xuất được gợi ý ở trên, bạn cần chú ý một số điều sau:

4.1. Tìm hiểu quy định nơi làm việc

Tổ chức, công ty, doanh nghiệp nào cũng có quy định về ngày nghỉ theo tháng, theo năm. Bạn nên tìm hiểu và nắm thật kỹ những điều đó để cân nhắc sử dụng ngày phép khi có việc đột xuất. Nắm được chính sách, điều kiện là yếu tố quan trọng để bạn chủ động xin nghỉ phép hưởng lương. Thêm vào đó, một số nơi có yêu cầu riêng khi muốn nghỉ việc đột xuất, bạn nên lưu tâm điều này. Ngoài ra, nếu bạn đang là cộng tác viên, bạn cũng cần chú ý hơn vì nhiều nơi có quy định riêng khi xin nghỉ với vị trí này.

4.2. Ước tính thời gian nghỉ

Cố gắng ước tính thời gian sẽ nghỉ chính xác nhất để cấp trên cân nhắc và phản hồi cho bạn. Nếu bạn không chắc phải nghỉ bao lâu, hãy ước chừng thời gian tương đối và cho sếp biết bạn sẽ cập nhật thông tin cho họ.

Ví dụ: Em bị cảm cúm ạ. Để hồi phục sức khỏe và an toàn, tránh lây cho mọi người, em xin phép không đến công ty hôm nay và ngày mai. Em sẽ báo lại chị tình hình cụ thể cuối ngày mai.

4.3. Có kế hoạch dự phòng khi bị từ chối

Không phải lúc nào việc xin nghỉ đột xuất của bạn cũng được đồng ý ngay. Ngoại trừ lý do sức khỏe và gia đình bất khả kháng, một số trường hợp xin nghỉ đột xuất vì việc cá nhân lại đúng thời kỳ bận rộn, có thể bạn sẽ bị từ chối nhất là xin nghỉ dài ngày. Vì thế, bạn nên có phương án dự phòng trước hoặc tìm giải pháp thỏa hiệp.

Ví dụ:

  • Nếu sếp không chấp thuận việc xin nghỉ đột xuất vì thời gian nghỉ quá lâu, bạn có thể cân nhắc, sắp xếp lại nghỉ ít ngày hơn.

  • Nếu sếp cho rằng lý do xin nghỉ đột xuất của bạn chưa chính đáng, trước khi xin phép, hãy chuẩn bị trước một vài lý do chứng minh bạn thật sự cần nghỉ.

  • Nếu sếp từ chối vì đã có đồng nghiệp cùng vị trí với bạn xin nghỉ, đừng ngại hỏi sếp có chấp nhận để bạn làm việc từ xa không và đảm bảo hoàn thành mọi việc đúng tiến độ.

4.4. Xin nghỉ sớm nhất có thể

Khi sự việc phát sinh, cách xin nghỉ việc đột xuất tốt nhất là ngay lập tức gọi điện, nhắn tin hoặc gửi email cho sếp để xin phép. Bởi nếu để sau, đôi khi vì quá bận hay bối rối mà bạn quên mất. Cùng với đó, dù có vội đến đâu, tuyệt đối không gửi lời qua bất cứ ai đến sếp vì họ có thể quên hoặc thậm chí cố tình không chuyển lời giúp bạn.

Hãy xin nghỉ sớm nhất có thể để không gây ảnh hưởng đến công việc chung
Hãy xin nghỉ sớm nhất có thể để không gây ảnh hưởng đến công việc chung

5. Nghỉ hẳn việc đột xuất không báo trước có sao không?

Chúng ta đã đề cập đến cách xin nghỉ việc đột xuất khéo léo với những trường hợp nghỉ tạm thời. Vậy khi nghỉ hẳn việc tại tổ chức, cơ quan, công ty, doanh nghiệp đang làm một cách đột ngột, không thông báo trước thì sao?

Theo đó, khi nghỉ việc đột xuất không báo trước tức là bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trong khoản 2, Điều 35, Bộ luật Lao động 2019 đã nêu rõ các tình huống đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật. Với những trường hợp này, khi nghỉ việc đột xuất vẫn được hưởng trợ cấp thôi việc. Cụ thể:

  • Khi không được bố trí đúng công việc, địa điểm làm việc, không đảm bảo điều kiện làm việc;

  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương sai thời hạn;

  • Người lao động bị ngược đãi, đánh đập, nhục mạ ảnh hưởng đến nhân phẩm, sức khỏe,...;

  • Bị quấy rối tình dục công sở;

  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo khoản 2, Điều 138, Bộ luật Lao động;

  • Người đủ tuổi nghỉ hưu theo Điều 169, Bộ luật Lao động;

Ngược lại, những người nghỉ việc đột xuất không báo trước ngoài các trường hợp kể trên được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Khi đó, bạn vừa không có trợ cấp vừa phải bồi thường cho người sử dụng lao động theo quy định. Do đó, nếu xảy ra điều gì khiến bạn khó chịu, bực tức cũng không nên hành động nóng vội, tự ý nghỉ việc đột xuất không báo trước.

Nếu bạn chủ động nghỉ việc đột ngột và không báo trước, bạn sẽ không nhận được một số quyền lợi về lương thưởng
Nếu bạn chủ động nghỉ việc đột ngột và không báo trước, bạn sẽ không nhận được một số quyền lợi về lương thưởng

Việc xin nghỉ đột xuất là điều hoàn toàn bình thường ở bất cứ vị trí nào và với bất cứ ai. Với những thông tin được cung cấp trên đây, mong rằng job3s đã giúp bạn biết cách xin nghỉ việc đột xuất khéo léo, chuyên nghiệp, không gây mất thiện cảm với sếp và đồng nghiệp. Tiếp tục theo dõi job3s để có thêm nhiều kinh nghiệm việc làm hữu ích, hỗ trợ đắc lực cho bạn trong quá trình làm việc và phát triển sự nghiệp.

Xem thêm:

Mẫu CV hot theo ngành nghề