Để hoạt động thuê nhà trở nên an toàn, tránh rủi ro, người thuê nhà và chủ nhà cần phải thực hiện ký kết hợp đồng thuê nhà. Mỗi hình thức thuê sẽ có mẫu hợp đồng tương ứng. Vậy cần lưu ý những gì khi ký hợp đồng thuê nhà?
Hợp đồng thuê nhà ở là hợp đồng dân sự, theo đó, bên cho thuê nhà có nghĩa vụ giao nhà cho bên thuê nhà sử dụng, còn bên thuê có trách nhiệm trả tiền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật trong suốt thời gian thuê.
Hợp đồng thuê nhà ở phải đáp ứng các tiêu chí như đơn giản, đầy đủ, dễ hiểu nhưng vẫn phải đầy đủ các nội dung cần thiết.
Theo quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở, các bên khi tiến hành thỏa thuận và ký kết hợp đồng thuê nhà, ít nhất phải có đầy đủ các nội dung như sau:
Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;
Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; phần diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng, diện tích sàn của toàn căn nhà hoặc căn hộ, mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung;
Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định khác thì các bên buộc phải tuân theo;
Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, cho mượn, thế chấp, cho ở nhờ, uỷ quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn;
Quyền và nghĩa vụ của các bên;
Cam kết của các bên;
Các thỏa thuận khác;
Thời điểm hợp đồng có hiệu lực;
Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
Xem thêm: Mẫu đơn xin xác nhận tạm trú và chi tiết cách điền
Mỗi hình thức thuê nhà sẽ có các loại hợp đồng tương ứng, do đó mỗi loại hợp đồng sẽ có các mẫu khác nhau, cụ thể:
Mẫu hợp đồng thuê nhà ở
>>> Tải Mẫu hợp đồng cho thuê nhà ở.doc
Mẫu hợp đồng thuê nhà chung cư
>>> Tải Mẫu hợp đồng cho thuê chung cư.docx
Mẫu hợp đồng thuê nhà xưởng, kho bãi
>>> Tải Mẫu hợp đồng cho thuê nhà xưởng, kho bãi.docx
Mẫu hợp đồng thuê nhà kinh doanh
>>> Tải Mẫu hợp đồng cho thuê nhà kinh doanh.docx
Hiện nay các bên có thể tự mình soạn thảo hợp đồng thuê nhà hoặc sử dụng các mẫu hợp đồng có sẵn. Tuy nhiên, vì đây được xem là công cụ để bảo vệ quyền cho cả bên cho thuê và bên thuê nên lời khuyên cho bạn là hãy nhờ chuyên gia về pháp lý hoặc luật sư hỗ trợ soạn thảo.
Điều này vừa đảm bảo hợp đồng có đầy đủ các nội dung cần thiết vừa đảm bảo tính hợp pháp theo quy định. Còn trong trường hợp tự soạn thảo hợp đồng thuê nhà, bạn cần chú ý có đầy đủ các nội dung sau:
Quốc hiệu, tiêu ngữ: Đảm bảo trình bày đúng theo thể thức quy định trong văn bản
Hợp đồng thuê nhà: Được viết ở giữa hợp đồng với khổ chữ in hoa.
Thời gian, địa điểm lập hợp đồng: Ghi đầy đủ, chính xác ngày, tháng, năm và phải đúng chính tả.
Thông tin của bên thuê và bên cho thuê: Cung cấp đầy đủ các nội dung bao gồm
Họ và tên
Số CMND/CCCD và thời gian cấp, nơi cấp
Số điện thoại
Số tài khoản ngân hàng (nếu có)
Địa chỉ
…
Nội dung của hợp đồng: Bao gồm các điều khoản mà 2 bên đã thống nhất, đảm bảo đầy đủ nội dung cần có của hợp đồng thuê nhà theo quy định của pháp luật, cụ thể:
Đặc điểm của căn nhà được sử dụng cho thuê
Mục đích sử dụng của căn nhà
Thời hạn thuê
Giá thuê
Phương thức thanh toán
Quyền, nghĩa vụ của các bên
Các thỏa thuận và cam kết chung
Chữ ký và xác nhận của hai bên: Cả hai bên cần ký đầy đủ vào tất cả các bản của hợp đồng, rõ ràng cả chữ ký và tên đầy đủ.
Khi lập hợp đồng thuê nhà, cần chú ý lập thành 2 bản, mỗi bên giữ một bản.
Xem thêm: Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa mới nhất kèm cách viết chi tiết
Trong quá trình ký kết hợp đồng thuê nhà, các bên cần chú ý một số nội dung như sau:
Kiểm tra thật kỹ thông tin của các bên trong hợp đồng với thực tế căn nhà đang thuê. Điều này sẽ giúp cho bạn tránh được các rắc rối sau này. Nội dung về thông tin của các bên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hợp đồng thuê nhà. Dưới đây là một số vấn đề cần quan tâm:
Đối với bên cho thuê nhà
Nhà được cho thuê có thể là tài sản riêng hoặc tài sản chung của vợ chồng hoặc hộ gia đình. Tùy vào từng trường hợp mà thông tin sẽ được thể hiện khác nhau trong hợp đồng, cụ thể:
Nếu nhà là tài sản riêng: Chỉ cần ghi thông tin của cá nhân và có chữ ký của cá nhân trong hợp đồng.
Nếu nhà là tài sản chung của vợ chồng: Cần cung cấp đầy đủ thông tin cả của hai vợ chồng, khi ký kết hợp đồng cũng cần có chữ ký của cả hai.
Nếu nhà là tài sản chung của hộ gia đình: Khi cung cấp thông tin có thông tin và chữ ký của tất cả các thành viên.
Đối với bên thuê nhà
Tương tự như vậy, bên thuê nhà có thể bao gồm cá nhân hoặc tổ chức. Nếu là cá nhân, bạn chỉ cần cung cấp đầy đủ các thông tin về họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giấy tờ tùy thân và thông tin cơ bản khác. Tuy nhiên nếu là tổ chức cần ghi rõ giấy phép đăng ký kinh doanh kèm theo thông tin của người đại diện.
Việc thuê nhà hiện nay được thực hiện với ngày càng nhiều phương thức, đặc biệt là thông qua môi giới. Do đó, các bên cần kiểm tra thật kỹ thông tin trong hợp đồng và thực tế. Khi các bên tiến hành kiểm tra thực tế, tốt nhất bạn nên có một biên bản bàn giao, ghi rõ thời điểm bàn giao, hiện trạng của căn nhà, các vấn đề phát sinh và yêu cầu 2 bên ký nhận.
Khi có bất cứ vấn đề nào phát sinh, các bên cũng có thể căn cứ vào đó để xác định lỗi và trách nhiệm của từng phía, tránh các tranh chấp không đáng có.
Giá cả và phương thức thanh toán là nội dung mà bạn cần hết sức lưu ý. Dù đã thỏa thuận trước đó nhưng khi thể hiện nội dung trên hợp đồng thuê nhà, cần làm rõ khoản tiền này đã bao gồm các khoản thuế, phí hay chưa. Nếu đã bao gồm thì cụ thể từng khoản là gì?
Phương thức thanh toán cũng cần được làm rõ với các nội dung như thời điểm thanh toán, thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển khoản, thanh toán 1 lần hay nhiều đợt, có cần đặt cọc hay không? Việc thể hiện càng đầy đủ và chi tiết các nội dung này càng giúp bạn tránh được các rắc rối không cần thiết trong quá trình thuê nhà.
Nhiều người tưởng rằng thời hạn thuê nhà là nội dung đơn giản bởi đã quen với các khái niệm phổ biến như 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm. Tuy nhiên nội dung về thời hạn cho thuê được thể hiện trong hợp đồng thuê nhà không chỉ đơn thuần là thời gian bao lâu.
Các bên cần làm rõ một số nội dung như:
Thời điểm bắt đầu tính ngày thuê nhà
Thời điểm kết thúc và chấm dứt hợp đồng
Nếu hết hợp đồng có thể gia hạn thêm thời gian thuê không? Nếu gia hạn thì thời gian để các bên tái kí hợp đồng là bao lâu?
Số lần gia hạn (nếu có)
Thời gian báo trước và xử lý các vấn đề phát sinh nếu các bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn.
Ở từng trường hợp trên, các bên cần trao đổi và làm rõ những điểm chưa thống nhất. Quy định chi tiết và đầy đủ sẽ giúp cho hợp đồng của bạn có giá trị bảo vệ tốt nhất.
Các bên cũng cần chú ý quy định về hình thức của hợp đồng thuê nhà. Theo quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở thì hợp đồng thuê nhà hiện nay đều phải lập thành văn bản. Một vấn đề được rất nhiều người quan tâm hiện nay là hợp đồng này có phải công chứng hay không?
Theo quy định thì hợp đồng thuê nhà là một trong số các giao dịch dân sự không buộc phải công chứng. Dù vậy với thực tế đời sống hiện nay, nhiều chuyên gia khuyên rằng bạn vẫn nên tiến hành công chứng cho các hợp đồng thuê nhà có giá trị cao để tránh rủi ro và yên tâm hơn trong quá trình giao kết hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 131 Luật Nhà ở 2014 thì hợp đồng thuê nhà sẽ chấm dứt nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Nếu thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước, việc chấm dứt sẽ chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 84 Luật Nhà ở.
Nếu thuê nhà thuộc sở hữu ngoài Nhà nước, việc chấm dứt hợp đồng sẽ xảy ra nếu:
Hợp đồng hết hạn mà các bên không gia hạn. Đối với hợp đồng thuê nhà không có thời hạn thì sẽ kết thúc sau 90 ngày kể từ thời điểm bên cho thuê nhà đưa ra thông báo chấm dứt hợp đồng.
Khi hai bên thỏa thuận về việc chấm dứt.
Bên thuê nhà chết hoặc được Tòa án tuyên bố mất tích mà ở thời điểm chết hoặc được tuyên mất tích không có ai sống cùng.
Nhà cho thuê không còn
Nhà cho thuê bị hỏng nặng, có nguy cơ đổ, sập hoặc nằm trong diện bị thu hồi đất, giải tỏa hoặc có quyết định phá dỡ của Nhà nước. Nhà thuộc diện bị trưng mua, trưng dụng bởi Nhà nước để sử dụng cho mục đích khác. Đối với trường hợp này bên cho thuê cần thông báo với bên thuê bằng văn bản, ít nhất trước 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng trừ khi có thỏa thuận khác.
Các bên thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Xem thêm: Phụ lục hợp đồng là gì? Những điểm quan trọng bạn phải nắm rõ trước khi ký
Hiện nay để tìm được một mẫu hợp đồng thuê nhà không khó. Tuy nhiên trong quá trình giao kết hợp đồng, các bên cần thỏa thuận thật kỹ để đảm bảo quyền lợi của mình một cách tốt nhất.