Hướng dẫn cách nấu cháo gạo lứt cho bé đơn giản, dễ ăn lại cực giàu dinh dưỡng

Đóng góp bởi:   Jay Trịnh
Thứ Ba, 02/01/2024 18:30:00 +07:00
Là thực phẩm tốt cho sức khỏe nên cháo gạo lứt phổ biến trong thực đơn ăn dặm. Mẹ lưu ngay 5 cách nấu cháo gạo lứt cho bé vừa thơm ngon, hấp dẫn lại dễ thực hiện dưới đây đảm bảo thành phẩm thơm ngon khiến bé ăn thun thút, mẹ đút không kịp.

1. Gạo lứt có những lợi ích gì cho cơ thể của trẻ?

Trước khi khám phá cách nấu cháo gạo lứt cho bé, các mẹ cần tìm hiểu xem gạo lứt có tác dụng gì đối với sự phát triển của con trẻ. Đây là điều rất quan trọng để mẹ có thể chọn được thực đơn và cách chế biến phù hợp mà không gây hại tới sức khỏe của con.

Các nghiên cứu về dinh dưỡng đã chỉ ra rằng, gạo lứt chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như carb, chất xơ, protein, thiamin, canxi, sắt, magie, mangan, phốt pho, kali, kẽm hay niacin, axit pantothenic, folate....

Các mẹ nên tìm hiểu về lợi ích của gạo lứt với sức khỏe của con trước khi tham khảo cách nấu cháo gạo lứt cho bé
Các mẹ nên tìm hiểu về lợi ích của gạo lứt với sức khỏe của con trước khi tham khảo cách nấu cháo gạo lứt cho bé

Chính hàm lượng khoáng chất cao này đã đem đến nhiều tác động, lợi ích đối với sức khỏe của trẻ, cụ thể như:

  • Tốt cho hệ tiêu hóa: Hệ tiêu hóa của bé lúc này còn rất non nớt nên ăn cháo gạo lứt sẽ cung cấp hàm lượng chất xơ dồi dào, giúp điều hòa hoạt động của ruột, ngăn ngừa ruột hấp thụ axit và hỗ trợ quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn.

  • Giúp xương phát triển khỏe mạnh: Trong gạo lứt chứa nhiều thành phần magie và canxi, nên cho bé ăn cháo gạo lứt sẽ giúp xương trẻ cứng cáp, chắc khỏe hơn.

  • Kiểm soát trọng lượng của trẻ: Thành phần mangan và phốt pho có trong gạo lứt sẽ giúp tổng hợp chất béo và kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì hiệu quả ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, gạo lứt cũng nhiều chất xơ và có chỉ số đường huyết thấp sẽ giúp ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa ở trẻ thừa cân.

  • Cung cấp năng lượng dồi dào cho trẻ: Gạo lứt rất giàu hàm lượng magie nên khi ăn cháo gạo lứt sẽ giúp chuyển hóa carb và protein thành năng lượng, từ đó, cơ thể bé luôn khỏe khoắn và tràn ngập năng lượng.

  • Ngăn ngừa nguy cơ tiểu đường ở trẻ nhỏ: Gạo lứt có chứa các chất axit phytic, chất xơ và các polyphenol thiết yếu và Carb phức tạp giúp làm chậm quá trình giải phóng đường, ngăn ngừa rủi ro tiểu đường tuýp 2 ở trẻ.

2. Bé mấy tháng tuổi có thể ăn gạo lứt?

Con còn nhỏ, hệ tiêu hóa vẫn chưa hoàn thiện nên việc chọn thực phẩm và chế độ dinh dưỡng là rất quan trọng. Theo nghiên cứu của các chuyên gia về dinh dưỡng, trẻ từ 6 tháng đã có thể ăn được gạo lứt. Vì vậy, mẹ hoàn toàn có thể sử dụng gạo lứt để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau trong thực đơn ăn dặm mỗi tuần.

Bổ sung gạo lứt cho trẻ trong giai đoạn này có thể giúp kích thích phát triển trí não cũng như nhận được nhiều lợi ích sức khỏe khác như tốt cho hệ tiêu hóa, cung cấp năng lượng, ngăn ngừa tiểu đường...

Ngoài cách nấu cháo gạo lứt cho bé, thời điểm con trẻ có thể sử dụng loại thực phẩm này cũng được nhiều mẹ quan tâm
Ngoài cách nấu cháo gạo lứt cho bé, thời điểm con trẻ có thể sử dụng loại thực phẩm này cũng được nhiều mẹ quan tâm

3. 5 cách nấu cháo gạo lứt cho bé đơn giản, thơm ngon

Dưới đây là các cách nấu cháo gạo lứt cho bé đầy đủ dinh dưỡng, mẹ có thể dễ dàng làm ngay tại nhà chỉ với vài nguyên liệu đơn giản.

3.1. Cách nấu cháo gạo lứt cho bé vị nguyên bản

Cháo gạo lứt vị nguyên bản là sự lựa chọn cực hợp lý, nhất là cho các bé mới bắt đầu tập làm quen ăn dặm. Các mẹ có thể tham khảo ngay cách nấu cháo gạo lứt cho bé dưới đây:

Nguyên liệu chuẩn bị:

  • ¼ bát gạo lứt

  • ½ lít nước lọc

Hướng dẫn cách nấu:

  • Đầu tiên, vo sạch gạo lứt rồi ngâm gạo với nước lọc ít nhất 4 giờ đồng hồ hoặc ngâm qua đêm.

  • Sau khi gạo được ngâm kỹ, mẹ bắc nồi lên bếp rồi cho gạo lứt và nước lọc và nồi rồi nấu sôi.

  • Đến khi gạo lứt chín nhừ và bung nở đều thì tắt bếp rồi mẹ có thể múc ra bát để nguội rồi cho bé ăn. Tùy theo độ ăn thô của bé, mẹ có thể cho trẻ ăn trực tiếp hoặc nghiền nhuyễn nếu cần.

Cách nấu cháo gạo lứt cho bé cực đơn giản
Cách nấu cháo gạo lứt cho bé cực đơn giản

3.2. Cách nấu cháo gạo lứt cho bé với trứng gà

Ở thời điểm tập làm quen với việc ăn cháo, bé đã cơ bản tiếp nhận được các nguồn protein khác. Mẹ có thể cân nhắc nấu cháo gạo lứt với trứng gà để đa dạng thực đơn ăn dặm.

Nguyên liệu chuẩn bị:

  • 1 chén cháo gạo lứt nguyên bản

  • 1 lòng đỏ trứng gà

  • 50 gram cải bó xôi

  • 1 muỗng dầu ô liu

Hướng dẫn cách nấu:

  • Rửa sạch cải bó xôi rồi rửa sạch và cắt nhỏ vừa ăn.

  • Cho cháo gạo lứt vào nồi rồi nấu, nếu mẹ thấy cháo bị đặc có thể cho thêm chút nước hay nước gà luộc (nếu có) và khuấy nhẹ cho tới khi cháo sôi đều.

  • Sau đó cho thêm cải bó xôi đã thái vào nồi rồi tiếp tục khuấy đều.

  • Tiếp theo, đánh tan lòng đỏ trứng gà rồi vừa đổ vào nồi vừa khuấy đều tay để cho trứng trộn đều với cháo rồi để trong khoảng 3 phút.

  • Cuối cùng, mẹ múc cháo ra bát rồi thêm chút dầu oliu vào, đợi khi cháo nguội thì cho bé thưởng thức ngay nhé.

Lưu ý: Tùy thuộc vào độ ăn thô của bé, mẹ có thể cho trẻ ăn trực tiếp hoặc nghiền nhuyễn trước khi cho bé ăn.

Cháo gạo lứt trứng gà là món ăn đơn giản nhưng cực hấp dẫn
Cháo gạo lứt trứng gà là món ăn đơn giản nhưng cực hấp dẫn

3.3. Cách nấu cháo gạo lứt cho bé với tôm

Nếu vẫn chưa biết cách nấu cháo gạo lứt cho bé vừa nhanh gọn, vừa đơn giản thì mẹ hãy thử kết hợp với tôm. Không chỉ có hương thơm đặc trưng kích thích vị giác, món ăn này còn có hàm lượng dinh dưỡng rất cao.

Nguyên liệu chuẩn bị:

  • 1 bát cháo gạo lứt nguyên bản

  • 100 gram tôm sú

  • ½ củ cà rốt nhỏ

  • 1 muỗng dầu ô liu

Hướng dẫn cách nấu:

  • Tôm tươi mẹ rửa sạch rồi bóc vỏ, bỏ đầu và rút chỉ rồi băm nhuyễn.

  • Tiếp đến, mẹ làm sạch cà rốt rồi cắt thành các miếng nhỏ, sau đó cho vào máy xay để xay nhuyễn.

  • Bước tiếp theo, mẹ cho cháo gạo nứt nguyên bản vào nồi, nếu cảm thấy cháo hơi đặc thì mẹ có thể cho thêm chút nước rồi khuấy đều cho tới khi cháo sôi đều là được.

  • Sau khi cháo sôi, mẹ cho thêm tôm và cà rốt đã được xay nhuyễn vào nồi và đảo đều tay trong vòng 3-5 phút thì tắt bếp và hoàn thành món ăn.

  • Cuối cùng, mẹ múc cháo ra bát, thêm chút dầu oliu cho bé dễ ăn và có thể thưởng thức sau khi cháo bớt nóng.

Cháo gạo lứt với tôm cũng là công thức mẹ nên thử
Cháo gạo lứt với tôm cũng là công thức mẹ nên thử

3.4. Cách nấu cháo gạo lứt cho bé với nấm rơm

Dù nghe khá lạ nhưng cháo gạo lứt nấm rơm thực sự là món ăn hấp dẫn mà mẹ nên thử nấu cho bé. Đây là món ăn dễ thực hiện, nguyên liệu đơn giản nhưng có hương vị rất thơm ngon.

Nguyên liệu chuẩn bị:

  • 1 bát cháo gạo lứt nguyên bản

  • 50 gram nấm rơm

  • ½ củ cà rốt nhỏ

  • ½ củ cải trắng nhỏ

  • 1 muỗng dầu ô liu

Hướng dẫn cách nấu:

  • Đầu tiên, mẹ cần sơ chế các nguyên liệu sau: nấm rơm rửa sạch thì cắt bỏ chân và chẻ đôi; cà rốt và củ cải trắng thì gọt bỏ vỏ rồi rửa sạch và cắt thành các khúc nhỏ theo độ ăn thô của bé.

  • Mang nấm đã cắt ngâm với nước trong khoảng 20 phút, sau đó trụng qua với nước sôi, vớt ra và để nguội rồi cắt thành hạt lựu.

  • Bắc chảo lên bếp, thêm dầu và bật lửa, sau khi dầu nóng thì cho nấm rơm, cà rốt, củ cải trắng vào xào chung.

  • Tiếp theo, mẹ cho cháo vào nồi rồi nấu sôi, nếu thấy cháo đặc thì có thể cho thêm nước và khuấy nhẹ,

  • Đến khi cháo sôi thì cho hỗn hợp vừa xào vào nồi và đảo đều tay rồi để đun sôi thêm khoảng 3-5 phút nữa thì tắt bếp.

  • Cuối cùng mẹ múc cháo ra bát rồi đợi nguội thì cho bé ăn.

Mẹ hãy thử nấu ngay cháo gạo lứt nấm rơm cực lạ miệng để đổi món cho bé
Mẹ hãy thử nấu ngay cháo gạo lứt nấm rơm cực lạ miệng để đổi món cho bé

3.5. Cách nấu cháo gạo lứt cho bé với ức gà

Nếu mẹ muốn thay đổi thực đơn cho bé với những món ăn cực hấp dẫn thì hãy thử ngay cháo gạo lứt ức gà. Đa dạng nhóm dinh dưỡng, hương vị dễ ăn lại dễ thực hiện nên không khó hiểu khi đây là công thức được nhiều mẹ lựa chọn.

Nguyên liệu chuẩn bị:

  • 1 bát cháo gạo lứt nguyên bản

  • 50 gram ức gà nạc

  • 50 gram bí đỏ

  • 30 gram cải ngọt

  • 1 muỗng dầu ô liu

Hướng dẫn cách nấu:

  • Làm sạch thịt ức gà rồi cắt thành các miếng nhỏ, sau đó, gọt vỏ bí đỏ và cải sạch rồi rửa lại với nước và cắt nhỏ theo độ ăn thô của trẻ.

  • Cho hết bát cháo lứt nguyên bản vào nồi rồi đun sôi, mẹ có thể cho thêm chút nước nếu thấy phần cháo hơi đặc.

  • Khi cháo sôi đều, mẹ cho thêm thịt ức gà và bí đỏ vào nồi và hầm cungc với cháo trong 5-10 phút với lửa nhỏ. Tiếp tục cho thêm cải ngọt vào nấu cùng trong vòng 3 phút thì tắt bếp.

  • Cuối cùng, mẹ có thể đổ hỗn hợp cháo gạo lứt thịt gà vừa nấu vào máy xay để xay nhuyễn hoặc rây cháo để bé có thể dễ ăn. Sau đó, mẹ mới múc cháo ra bát và đổ thêm chút dầu ô liu rồi cho bé thưởng thức.

Cháo gạo lứt với ức gà cực hấp dẫn cho bé
Cháo gạo lứt với ức gà cực hấp dẫn cho bé

4. Có nên cho bé ăn gạo lứt thường xuyên hay không?

Không thể phủ nhận rằng gạo lứt rất tốt cho sự phát triển của bé. Thế nhưng liệu có nên cho bé ăn gạo lứt một cách thường xuyên? Câu trả lời là không.

Gạo lứt có đặc trưng là chỉ bỏ đi lớp vỏ trấu. Vì thế nên gần như các thành phần dinh dưỡng đều được giữ nguyên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gạo lứt đem đến nhiều dưỡng chất hơn cho sự phát triển của bé

Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của bé còn khá yếu và chưa thực sự phát triển. Việc cho bé ăn quá nhiều gạo lứt có thể dẫn đến tình trạng tiêu hóa kém cũng như nhiều vấn đề khác, cụ thể:

  • Gạo lứt nói riêng và tất cả các loại gạo nói chung đều chứa asen hay còn gọi là thạch tín. Đây vốn là một hoạt chất bán kim loại, có tính độc và có khả năng gây ra ung thư. Hoạt chất này được tìm thấy trong lớp vỏ cám gạo - phần vốn không được bỏ đi ở gạo lứt. Vì thế nên nếu cho con trẻ ăn quá thường xuyên gạo lứt thì có thể gây ra tích tụ thạch tín, có hại cho sức khỏe. Tiếp xúc quá sớm và quá nhiều với thạch tín có thể gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển hệ thần kinh ở trẻ. Thậm chí, bé có thể gặp phải tình trạng đái tháo đường, tim mạch và tiềm ẩn cả nguy cơ ung thư nếu bố mẹ cho bé ăn gạo lứt quá nhiều từ sớm.

  • Hệ tiêu hóa còn non của bé khó lòng hấp thụ hết các loại chất dinh dưỡng có trong gạo lứt. Vì thế nên nếu ăn quá nhiều có thể khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu… Thay vì chỉ cho bé ăn gạo lứt, bố mẹ có thể cân nhắc đan xen giữa gạo lứt và gạo trắng để tăng cường hiệu quả đường tiêu hóa của bé.

Giàu dinh dưỡng nhưng nếu cho bé ăn quá nhiều gạo lứt có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe
Giàu dinh dưỡng nhưng nếu cho bé ăn quá nhiều gạo lứt có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe

Với sự đa dạng trong cách chế biến, các mẹ có thể cân nhắc để chọn được cách nấu cháo gạo lứt cho bé vừa thơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng lại tốt cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Hy vọng với những gợi ý trên đây, các mẹ có thể đa dạng hóa thực đơn giúp con ăn ngon, nhanh lớn.

Bài viết liên quan

Mẫu CV hot theo ngành nghề

Back to top

Job3s có thể giúp gì cho bạn?
chat