Mẫu đơn xin ly hôn mới nhất chuẩn quy định của Tòa - Tải ngay

Đóng góp bởi:   CEO Tony Vũ
Thứ Sáu, 24/05/2024 14:47:00 +07:00
Biết được cách viết mẫu đơn xin ly hôn chuẩn và những giấy tờ cần chuẩn bị sẽ giúp cho hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn của bạn nhanh chóng được Tòa án thụ lý và giải quyết. Dưới đây là 2 mẫu đơn ly hôn mới nhất theo quy định của Tòa án bạn có thể tham khảo và tải về sử dụng.

1. Đơn xin ly hôn là gì?

Ly hôn được hiểu là việc Tòa án ra bản án chấm dứt quan hệ vợ chồng. Để được công nhận ly hôn, vợ chồng hoặc một trong hai bên cần có yêu cầu đến Tòa án.

Đơn ly hôn là phương tiện thể hiện sự yêu cầu công nhận ly hôn của các bên đến Tòa án. Thông qua đơn ly hôn, Tòa án tiếp nhận và thụ lý giải quyết vụ án.

Đơn ly hôn được xem là một văn bản có tính pháp lý, có thể do vợ/chồng hoặc cả 2 gửi yêu cầu đến Tòa án. Theo quy định, các bên không thể tùy tiện sáng tạo hay tự ý viết đơn ly hôn mà phải tuân thủ đúng quy định về mẫu đơn chuẩn do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành trong Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

Về hình thức, các bên có thể đánh máy hoặc viết tay đơn xin ly hôn đều được, đơn phải có chữ ký của người làm đơn.

Về nội dung, đơn phải tuân thủ đầy đủ những nội dung cơ bản theo quy định, bao gồm:

  • Thông tin của các bên

  • Lý do ly hôn

  • Yêu cầu ly hôn và phân chia tài sản (nếu có)

  • Yêu cầu phân chia quyền nuôi con (nếu có)

  • Thỏa thuận khác

Đơn xin ly hôn phải được sử dụng theo mẫu do Tòa án ban hành
Đơn xin ly hôn phải được sử dụng theo mẫu do Tòa án ban hành

2. Tổng hợp mẫu đơn xin ly hôn mới nhất

Khi có yêu cầu ly hôn, các bên phải sử dụng đúng mẫu theo quy định của Tòa án. Tùy từng trường hợp mà các bên sẽ sử dụng mẫu đơn cho phù hợp.

Hiện nay, có 2 mẫu đơn ly hôn là mẫu đơn thuận tình ly hôn và mẫu đơn ly hôn đơn phương. Trong đó mẫu đơn thuận tình ly hôn được sử dụng trong trường hợp cả 2 bên đều đồng thuận với việc ly hôn. Còn mẫu đơn xin ly hôn đơn phương sử dụng khi chỉ có 1 bên mong muốn ly hôn.

2.1. Mẫu đơn thuận tình ly hôn

Mẫu đơn ly hôn thuận tình được sử dụng theo Mẫu số 01-VDS được ban hành kèm Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP.

Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình
Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình

Để tải mẫu đơn xin ly hôn thuận tình, vui lòng truy cập đường link dưới đây:

====>>>>> Mẫu đơn ly hôn thuận tình

2.2 Mẫu đơn ly hôn đơn phương

Mẫu đơn xin ly hôn đơn phương hiện nay được sử dụng theo Mẫu số 23-DS được ban hành kèm Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.

Mẫu đơn sử dụng trong trường hợp đơn phương ly hôn
Mẫu đơn sử dụng trong trường hợp đơn phương ly hôn

Để tải mẫu đơn xin ly hôn đơn phương, vui lòng truy cập đường link dưới đây:

=====>>>>> Mẫu đơn ly hôn đơn phương

Đơn ly hôn có thể được viết tay hoặc đánh máy, do đó không có quy định cụ thể về mẫu đơn ly hôn viết tay. Trong trường hợp viết tay, bạn có thể viết theo mẫu đơn ly hôn thuận tình hoặc mẫu đơn ly hôn đơn phương, tùy thuộc vào trường hợp cụ thể của mình.

Xem thêm: Có nên đưa tình trạng hôn nhân trong CV xin việc không?

2. Hướng dẫn cách viết đơn ly hôn chi tiết

Tình trạng ly hôn ngày càng trở nên phổ biến. Mẫu đơn ly hôn cũng được sử dụng nhiều hơn. Nếu còn lúng túng với việc viết đơn ly hôn, bạn có thể tham khảo hướng dẫn chi tiết dưới đây:

Đối với phần thông tin chung: Ghi chính xác thông tin của hai vợ chồng sao cho khớp với sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân.

Đối với quan hệ hôn nhân: Đây là một trong những căn cứ để Tòa xem xét giải quyết ly hôn nên cần trình bày chính xác, trung thực quá trình chung sống giữa hai vợ chồng, có mâu thuẫn gì không, lý do dẫn đến ly hôn là gì…

Đối với con cái: Nếu hai bên có con chung thì ghi đầy đủ thông tin của các con (tên, ngày tháng năm sinh…), nguyện vọng và đề nghị nuôi con. Trong trường hợp hai bên chưa có con chung thì ghi rõ là chưa có.

Nếu hai bên thỏa thuận được về vấn đề nuôi con thì ghi nội dung thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì ghi rõ là hai bên không thỏa thuận được và đề nghị Tòa án phân chia quyền nuôi con.

Đối với tài sản: Nếu có tài sản chung thì ghi rõ tài sản và liệt kê thông tin về các loại tài sản này, trị giá và đề nghị phân chia. Nếu hai bên tự thỏa thuận được phân chia tài sản thì ghi rõ nội dung thỏa thuận. Trong trường hợp không tự thỏa thuận được thì ghi rõ yêu cầu Tòa án phân chia và giải quyết. Nếu hai bên không có tài sản chung nào với nhau thì ghi rõ là không có.

Đối với phần nợ chung: Nếu có nợ chung thì ghi rõ cụ thể số nợ, chủ nợ và thời gian trả, đề nghị phân chia nghĩa vụ trong đơn. Nếu không có nợ chung thì ghi rõ là không có.

Việc viết đơn ly hôn không khó nếu bạn chú ý điền đúng thông tin của từng phần
Việc viết đơn ly hôn không khó nếu bạn chú ý điền đúng thông tin của từng phần

Xem thêm: Mẫu đơn xin nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình chuẩn mới 2023

3. Hồ sơ ly hôn gồm những gì?

Pháp luật hiện nay quy định về 2 trường hợp ly hôn là ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình, tùy vào từng trường hợp mà các bên cần chuẩn bị giấy tờ cho chính xác, cụ thể:

Đối với trường hợp thuận tình ly hôn, cần có các loại giấy tờ sau:

  • Đơn yêu cầu công nhận ly hôn thuận tình (còn gọi đơn xin ly hôn thuận tình)

  • Bản sao có công chứng căn cước công dân của cả vợ và chồng

  • Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có)

  • Giấy tờ liên quan đến tài sản chung hoặc nợ chung (nếu có yêu cầu phân chia)

Đối với trường hợp ly hôn đơn phương, cần có các loại giấy tờ sau:

  • Đơn khởi kiện ly hôn (còn gọi đơn xin ly hôn đơn phương)

  • Bản sao có công chứng căn cước công dân của người khởi kiện

  • Chứng nhận đăng ký kết hôn bản gốc

  • Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có)

  • Giấy tờ chứng minh về tài sản chung của 2 bên (nếu có yêu cầu chia tài sản)

  • Giấy tờ liên quan đến những khoản nợ chung (nếu có yêu cầu chia nợ chung của 2 bên)

Một trong những giấy tờ không thể thiếu trong hồ sơ ly hôn là giấy chứng nhận kết hôn
Một trong những giấy tờ không thể thiếu trong hồ sơ ly hôn là giấy chứng nhận kết hôn

4. Đơn ly hôn nộp cho ai?

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì các bên khi có yêu cầu ly hôn sẽ nộp đơn ở Tòa án nhân dân. Ở điều kiện thông thường, nguyên tắc xác định thẩm quyền của Tòa được quy định như sau:

  • Đối với trường hợp ly hôn đơn phương, người có yêu cầu xin ly hôn đơn phương sẽ phải gửi đơn đến Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.

  • Đối với trường hợp thuận tình ly hôn, nộp đơn tại nơi cư trú của 2 vợ chồng. Nếu hai bên có nơi cư trú khác nhau có thể thỏa thuận đến Tòa án tại nơi cư trú của một trong hai người để nộp đơn và giải quyết vụ việc.

Hồ sơ ly hôn được nộp ở Tòa án
Hồ sơ ly hôn được nộp ở Tòa án

5. Cả hai bên có bắt buộc phải cùng nhau ký vào đơn ly hôn không?

Vì ly hôn hiện nay có hai hình thức là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương nên tùy từng trường hợp để xác định hai bên có cần cùng nhau ký vào đơn ly hôn hay không.

Đối với trường hợp ly hôn thuận tình, để thể hiện sự đồng ý và thỏa thuận thì cả hai phải cùng ký vào đơn ly hôn. Còn đối với trường hợp ly hôn đơn phương là do yêu cầu của một bên nên không cần có chữ ký của cả hai.

Không phải trong trường hợp nào đơn xin ly hôn cũng cần chữ ký của cả hai người
Không phải trong trường hợp nào đơn xin ly hôn cũng cần chữ ký của cả hai người

6. Khi nào hai bên không được đưa ra yêu cầu ly hôn?

Tuy ly hôn là quyền của các bên nhưng theo quy định của pháp luật, vẫn có những trường hợp các bên không được đưa ra yêu cầu ly hôn. Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình, người chồng sẽ không được phép đưa ra yêu cầu đơn phương ly hôn trong những trường hợp sau:

  • Người vợ đang có thai

  • Người vợ đang trong thời gian sinh con

  • Người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Quy định này nhằm bảo vệ người vợ vốn đang ở trong thời gian nhạy cảm và yếu thế hơn trong cuộc hôn nhân.

Vẫn có những trường các bên không được phép ly hôn
Vẫn có những trường các bên không được phép ly hôn

7. Mẫu đơn ly hôn có bắt buộc phải mua ở Tòa không?

Hiện nay theo quy định của pháp luật không yêu cầu người dân phải mua đơn tại Tòa, cũng không yêu cầu về hình thức của đơn. Theo đó người dân có thể tự do lựa chọn mẫu đơn viết tay, đánh máy hoặc mua tại Tòa.

Tuy nhiên trên thực tế, để đảm bảo tính thống nhất, một số Tòa án vẫn yêu cầu người dân phải mua mẫu đơn ly hôn có sẵn tại Tòa.

Các bên có thể tự chuẩn bị đơn xin ly hôn
Các bên có thể tự chuẩn bị đơn xin ly hôn

8. Từ khi nộp đơn xin ly hôn đến lúc ra phán quyết mất bao lâu?

Thời gian giải quyết một vụ ly hôn nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như có đầy đủ thông tin, độ phức tạp của vụ việc. Tuy nhiên thông thường sẽ kéo dài từ 4 - 6 tháng với quy trình như sau:

  • Thời gian thụ lý hồ sơ: Từ 5 - 8 ngày làm việc kể từ khi Tòa án nhận được hồ sơ hợp lệ. Khi đó Tòa án phải ra thông báo để đương sự nộp án phí dân sự sơ thẩm.

  • Thời gian giải quyết ly hôn: Tối đa 4 tháng, tuy nhiên có thể gia hạn thêm 1 lần 2 tháng nếu vụ việc đó có tình tiết phức tạp với quy trình như sau:

    • Xác minh thông tin và yêu cầu của các bên theo nội dung có trong đơn.

    • Hòa giải 2 bên, bao gồm 2 lần, khoảng cách giữa mỗi lần là 1 tháng.

    • Thẩm định tài sản chung (nếu có).

    • Công bố chứng cứ (nếu có).

    • Thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định với trường hợp ly hôn với người bị mất tích.

  • Ra phán quyết: Sau khi ra quyết định công nhận ly hôn, bác đơn yêu cầu hoặc quyết định xét xử (khi có tranh chấp về quyền nuôi con hoặc tài sản). Kể từ thời điểm có quyết định xét xử vụ án, trong thời hạn 1 tháng Tòa án phải tiến hành mở phiên tòa. Sau 15 ngày kể từ ngày xét xử, Tòa án phải tống đạt phán quyết cuối đến các đương sự và các bên có liên quan để có thể thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị theo đúng quy định.

Mẫu đơn xin ly hôn hiện nay đều được công khai để các bên có thể dễ dàng tiếp cận cũng như sử dụng khi cần thiết. Nếu có ý định ly hôn, bạn cần tìm hiểu thật kỹ và sử dụng mẫu đơn đúng với trường hợp của mình, tránh sử dụng sai để ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ việc.

Bài viết liên quan

Mẫu CV hot theo ngành nghề

Back to top

Job3s có thể giúp gì cho bạn?
chat