Bạn là ?
Trước khi tìm hiểu quy định trả lương cho người lao động, bạn cần biết khái niệm về tiền lương là gì. Theo Điều 90 Bộ Luật lao động 2019 quy định:
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và những khoản bổ sung khác.
Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Quy định trả lương cho người lao động theo nguyên tắc nào? Theo Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn cho người lao động. Trong trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động uỷ quyền hợp pháp.
Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Quy định trả lương cho người lao động căn cứ vào đâu? Theo Điều 95 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thoả thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền đồng Việt Nam. Trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể trả bằng ngoại tệ.
Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Xem thêm: Quy Định Về Bậc Lương Đại Học Và Cách Tính Bậc Lương Mới Nhất
Quy định trả lương cho người lao động bao gồm những hình thức nào? Theo Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định:
Tiền lương của người lao động được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương khi chọn trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động.
Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận chọn 1 trong 3 hình thức trả lương sau:
Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ theo thoả thuận trong hợp đồng lao động, cụ thể:
Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc.
Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương tuần được xác định bằng tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần.
Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc. Trong trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tuần thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc trong tuần theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng hoặc theo tuần hoặc theo ngày thì tiền lương giờ được xác định bằng tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động.
Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Xem thêm: Viên Chức Là Gì? Cách Tính Lương Viên Chức Từ 1/7 Có Gì Mới?
Kỳ hạn trong quy định trả lương cho người lao động như thế nào? Theo Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thoả thuận của hai bên. Nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền. Khoản tiền này ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Theo quy định trả lương cho người lao động thì việc chậm trả lương có bị phạt không? Căn cứ vào Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với 05 trường hợp trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật như sau:
Từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
Từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.
Từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.
Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.
Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải thực hiện biện pháp khắc phục quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
"a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này."
Đây là mức xử phạt đối với cá nhân sử dụng lao động vi phạm. Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, tổ chức sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền gấp 02 lần so với khoản tiền phạt nêu trên.
Như vậy, người sử dụng lao động phải hoàn thiện tiền lương cho người lao động đúng như thời hạn đã thỏa thuận, nếu bị vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Nội dung bài viết trên đây đã chia sẻ chi tiết quy định trả lương cho người lao động theo pháp luật hiện hành để bạn đọc tham khảo. Hy vọng đây là thông tin hữu ích giúp người lao động nắm rõ được nguyên tắc trả lương, hình thức trả lương và kỳ hạn trả lương theo quy định của pháp luật hiện hành.
Công thức tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định mới nhất
Việc làm bảo mẫu trường tiểu học TPHCM: Cơ hội và thách thức
Bộ luật thuế thu nhập cá nhân mới nhất và những điều cần biết
Tổng hợp việc làm Tân An Long An và cách xin việc nhanh nhất
Kinh nghiệm xin việc làm chỉ cần CMND, không yêu cầu bằng cấp
Người phụ thuộc là gì? Các quy định về người phụ thuộc
Giấy khai sinh là gì? Thông tin cần nhớ về loại giấy tờ quan trọng này
Việc làm Cà Mau hấp dẫn với nhiều cơ hội ngành thủy sản và du lịch
Kinh nghiệm tìm việc làm ca tối từ 18h đến 22h không lừa đảo
Tsundere là gì? Giải đáp tất tần tật về Tsundere mới nhất
Mẫu CV hot theo ngành nghề