Bạn là ?
Khái niệm viên chức là gì được giải thích trong Điều 2 Luật Viên chức 2010 như sau:
Viên chức là công dân Việt Nam đáp ứng đầy đủ điều kiện tuyển dụng, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, được trả lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định của pháp luật.
Khái niệm trên vô cùng ngắn gọn nhưng muốn hiểu cặn kẽ cần làm rõ một số thuật ngữ như:
Đơn vị sự nghiệp công lập: Được hiểu là tổ chức được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị. Đơn vị sự nghiệp công lập được coi là pháp nhân và thực hiện nhiệm vụ chính là cung cấp dịch vụ công, phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước.
Đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay gồm 2 loại tổ chức là:
Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Ví dụ: Trường Đại học Luật Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.
Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ. Ví dụ: Bệnh viện Quân y 198.
Hợp đồng làm việc: Là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và viên chức hoặc người được tuyển dụng vào vị trí viên chức, nội dung của hợp đồng đề cập đến các nội dung như việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên.
Nhìn vào quy định trên nhiều người sẽ nghĩ hợp đồng làm việc tương tự hợp đồng lao động. Tuy nhiên dù có 1 số nội dung tương tự nhau nhưng đây là 2 loại hợp đồng hoàn toàn khác nhau.
Như vậy có thể hiểu viên chức là người đáp ứng đầy đủ các điều kiện tuyển dụng, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện nay có 2 hình thức để phân loại viên chức, cụ thể:
Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ, bao gồm:
Viên chức quản lý
Viên chức không giữ chức vụ quản lý
Phân loại theo trình độ đào tạo:
Viên chức có trình độ tiến sĩ
Viên chức có trình độ thạc sĩ
Viên chức có trình độ đại học
Viên chức có trình độ cao đẳng
Viên chức có trình độ trung cấp
Mỗi loại viên chức sẽ có chức năng, nhiệm vụ và quyền lợi khác nhau. Ngoài ra theo mức độ công việc, nhiệm vụ, trong cùng một lĩnh vực, viên chức còn được xếp hạng từ cao xuống thấp gồm hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV và hạng V.
Có hai hình thức để trở thành viên chức, đó là thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Hàng năm, dựa trên nhu cầu thực tế của từng đơn vị sự nghiệp công lập, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra tiêu chí dựa trên vị trí việc làm, nhu cầu về số lượng, tiêu chuẩn chức danh cũng như quỹ tiền lương.
Không phải ai cũng có thể trở thành viên chức, để có thể đăng ký dự tuyển, trước tiên cần đáp ứng các điều kiện sau:
Là công dân Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên. Riêng đối với 1 số lĩnh vực đặc thù như văn hóa, nghệ thuật, thể dục hay thể thao có thể dưới 18 tuổi nhưng bắt buộc phải từ đủ 15 tuổi trở lên và được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.
Đã làm đơn đăng ký dự tuyển.
Lý lịch rõ ràng.
Có trình độ, văn bằng, chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ đào tạo hoặc năng lực phù hợp với điều kiện tuyển dụng của vị trí việc làm.
Có sức khỏe tốt, đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ và công việc.
Đáp ứng các yêu cầu riêng biệt cho từng vị trí, được quy định rõ trong thông báo tuyển dụng.
Không thuộc đối tượng không được dự tuyển viên chức theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Viên chức 2010.
Mức lương của viên chức vốn là nội dung được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là khi có thông tin về cải cách tiền lương từ tháng 7/2024. Vậy mức lương của viên chức được tính như thế nào?
Giai đoạn trước ngày 1/7/2024, mức lương của viên chức vẫn được tính dựa trên hệ số lương và lương cơ sở, theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Công thức xác định như sau:
Tiền lương = Lương cơ sở x Hệ số lương
Trong đó:
Lương cơ sở là mức lương được sử dụng làm căn cứ để tính lương cho người lao động, Mức lương này sẽ được Chính phủ ban hành và điều chỉnh theo từng năm cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, mức lương cơ sở vẫn là 1.800.000 đồng/tháng.
Hệ số lương là hệ số được sử dụng trong tính lương cho cán bộ, công chức, viên chức, hệ số này thể hiện sự chênh lệch giữa các vị trí, cấp bậc dựa trên bằng cấp và trình độ.
Nghị quyết 27-NQ/TW đã đưa ra một loạt nội dung mới về cải cách tiền lương, trong đó có việc xác định lại cơ cấu tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức. Mức lương mới sẽ được xác định dựa trên công thức sau:
Lương của viên chức = Lương cơ bản (70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (30% quỹ lương)
Ngoài ra cơ cấu tiền lương cũng có thêm tiền thưởng, chiếm khoảng 10% quỹ lương của năm và không bao gồm phụ cấp. Mức lương sau điều chỉnh cải cách tiền lương của viên chức nói riêng và cán bộ, công chức nói chung không được thấp hơn mức lương hiện đang hưởng.
Điều này vừa giúp đồng bộ cơ chế về tiền lương vừa góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho viên chức, cũng như cán bộ, công chức.
Khái niệm viên chức và công chức thường đi liền với nhau. Vậy sự khác nhau giữa công chức và viên chức là gì?
Tiêu chí | Viên chức | Công chức |
Khái niệm | Là công dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc. | Là công dân Việt Nam làm việc tại cơ quan Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. |
Nơi làm việc | Đơn vị sự nghiệp công lập | - Cơ quan Nhà nước, của Đảng và tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương. - Cơ quan của Quân đội. - Cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân. |
Hình thức tuyển dụng | Tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển và thi tuyển dựa vào vị trí việc làm. | Tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển, sau đó được bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh thuộc biên chế |
Biên chế | Viên chức từ sau ngày 1/7/2020 không còn là biên chế suốt đời (trừ 1 số trường hợp theo quy định của pháp luật). | Trong biên chế |
Thời gian tập sự | - Với vị trí yêu cầu trình độ đào tạo đại học: 12 tháng, riêng bác sĩ 9 tháng. - Với vị trí yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng: 9 tháng. - Với vị trí yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp: 6 tháng | - Với công chức loại C: 12 tháng - Với công chức loại D: 6 tháng |
Hợp đồng làm việc | Có | Không làm việc theo hợp đồng |
Tiền lương | Quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập | Ngân sách Nhà nước |
Bảo hiểm thất nghiệp | Phải đóng | Không phải đóng |
Hình thức kỷ luật | - Khiển trách - Cảnh cáo - Cách chức - Buộc thôi việc | - Khiển trách - Cảnh cáo - Hạ bậc lương - Giáng chức - Cách chức - Buộc thôi việc |
Ví dụ | - Giảng viên trường Đại học - Bác sĩ bệnh viện Quân đội 198 | - Kiểm sát viên - Thẩm phán - Chánh án - Chủ tịch UBND huyện |
Biết được sự khác nhau giữa công chức và viên chức là gì bạn sẽ hiểu vì sao rất nhiều người muốn phấn đấu để trở thành công chức, bởi vị trí này có rất nhiều điều kiện để thăng tiến và phát triển sự nghiệp.
Vậy từ viên chức có thể trở thành công chức hay không? Đáp án là Có.
Khoản 3 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung 2019) đã quy định rõ ngoài hình thức thi tuyển và xét tuyển, viên chức nếu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm có thể được tiếp nhận để trở thành công chức.
Các điều kiện đó bao gồm:
Không trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc thời gian thực hiện quy định liên quan đến kỷ luật.
Thời hạn công tác từ đủ 5 năm trở lên kể từ thời điểm tuyển dụng (không tính thời gian tập sự).
Có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công chức cần tuyển dụng.
Như vậy nếu đáp ứng các điều kiện trên, viên chức có thể được tiếp nhận làm công chức.
Ngoài ra để có thể được luân chuyển, bạn cần làm hồ sơ đề nghị tiếp nhận vào làm công chức bao gồm những loại giấy tờ sau:
Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị đang công tác, được lập chậm nhất 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ.
Bản sao các loại giấy tờ gồm văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu tuyển dụng.
Giấy chứng nhận sức khỏe.
Bản tự đánh giá, nhận xét về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ cũng như năng lực chuyên môn trong quá trình công tác, đã được người đứng đầu cơ quan, đơn vị công tác xác nhận.
Ngoài ra trong trường hợp viên chức đề nghị tiếp nhận đã có bằng chuẩn đầu ra về tin học hoặc ngoại ngữ, thuộc trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, tin học thì không cần nộp 2 loại chứng chỉ này.
Hiểu được viên chức là gì sẽ giúp bạn có thêm 1 lựa chọn để cân nhắc cho nghề nghiệp và tương lai của mình. Viên chức là vị trí phù hợp với những người có năng lực, đồng thời mong muốn có sự ổn định trong công việc.
Xem thêm:
Công thức tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định mới nhất
Việc làm bảo mẫu trường tiểu học TPHCM: Cơ hội và thách thức
Bộ luật thuế thu nhập cá nhân mới nhất và những điều cần biết
Tổng hợp việc làm Tân An Long An và cách xin việc nhanh nhất
Kinh nghiệm xin việc làm chỉ cần CMND, không yêu cầu bằng cấp
Người phụ thuộc là gì? Các quy định về người phụ thuộc
Giấy khai sinh là gì? Thông tin cần nhớ về loại giấy tờ quan trọng này
Việc làm Cà Mau hấp dẫn với nhiều cơ hội ngành thủy sản và du lịch
Kinh nghiệm tìm việc làm ca tối từ 18h đến 22h không lừa đảo
Tsundere là gì? Giải đáp tất tần tật về Tsundere mới nhất
Mẫu CV hot theo ngành nghề