Bạn là ?
Theo Điều 2 Luật Viên chức 2010, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc. Viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Viên Chức Là Gì? Cách Tính Lương Viên Chức Từ 1/7 Có Gì Mới?
Viên chức là những người có năng lực và những phẩm chất được nhân dân và Nhà nước tin tưởng bầu ra để làm việc trong cơ quan Nhà nước. Chính vì vậy, bên cạnh những quyền lợi và thẩm quyền mà viên chức được thực hiện, thì cũng có những hành vi, công việc viên chức không được làm.
Theo Điều 19 Luật Viên chức 2010 quy định về những điều viên chức không được làm như sau:
“1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
2. Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
3. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
4. Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.
5. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
6. Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Như vậy, bạn thấy rằng những điều viên chức không được làm là trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; Sử dụng tài sản cơ quan với quy định; lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống phá Nhà nước; một số việc khác liên quan đến phòng chống tham nhũng, lãng phí theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
Sau khi đã nắm rõ được những điều viên chức không được làm theo quy định hiện nay, cùng tìm hiểu các nghĩa vụ cụ thể của viên chức:
Theo Điều 16 Luật Viên chức 2010, nghĩa vụ chung của viên chức bao gồm:
Chấp hành đường lối, chủ trường, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư.
Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.
Bảo vệ bí mật Nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài sản được giao.
Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức.
Theo Điều 17 Luật Viên chức 2010, các nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp bao gồm:
Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng.
Phối hợp tốt với đồng nghiệp khi thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.
Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền.
Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
Khi phục vụ nhân dân, viên chức phải tuân thủ những quy định sau:
Có thái độ lịch sự, và tôn trọng nhân dân.
Có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn.
Không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân.
Chấp hành đầy đủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
Chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Viên chức quản lý thực hiện các nghĩa vụ quy định tại mục 3.1, 3.2 và các nghĩa vụ tại Điều 18 Luật Viên chức 2010, cụ thể như sau:
Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị theo đúng chức trách và thẩm quyền được giao.
Thực hiện dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, đạo đức nghề nghiệp trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, tài chính trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
Xem thêm: Biệt Phái Viên Chức Là Gì? Những Thông Tin Quan Trọng Cần Biết
Nếu vi phạm những điều viên chức không được làm thì viên chức sẽ bị kỷ luật theo quy định. Theo Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về những hình thức kỷ luật dành cho viên chức như sau:
“1. Áp dụng đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Buộc thôi việc.
2. Áp dụng đối với viên chức quản lý
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Cách chức.
d) Buộc thôi việc.
Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại Điều này còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.”
Như vậy, có thể thấy, viên chức vẫn bị xử lý kỷ luật khi vi phạm những điều viên chức không được làm tuỳ vào mức độ khác nhau mà mức xử phạt cũng khác nhau.
Bên cạnh việc nắm rõ những điều viên chức không được làm thì bạn cũng cần phải biết ai có thẩm quyền kỷ luật viên chức? Theo Điều 31 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền kỷ luật viên chức như sau:
Đối với viên chức quản lý: Người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
Đối với viên chức giữ chức vụ: Chức danh do bầu cử thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử tiền hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
Đối với viên chức biệt phái: Người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi viên chức được cử đến biệt phái tiến hành xem xét xử lý kỷ luật, và đề nghị hình thức kỷ luật. Hồ sơ xử lý kỷ luật được gửi về đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái để ra quyết định kỷ luật theo thẩm quyền.
Trường hợp viên chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại tổ chức, cơ quan, đơn vị cũ mà khi chuyển sang tổ chức, cơ quan, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì thẩm quyền tiến hành và xử lý kỷ luật thuộc tổ chức, cơ quan, đơn vị cũ nơi viên chức công tác. Hồ sơ, quyết định kỷ luật phải được gửi về tổ chức, cơ quan, đơn vị đang quản lý viên chức.
Trong trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập trước đây đã giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia tách thì những người có trách nhiệm liên quan phải bàn giao hồ sơ để đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý viên chức thực hiện việc xử lý kỷ luật.
Đối với viên chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của cơ quan quản lý viên chức.
Nếu vi phạm những điều viên chức không được làm thì có bị cho nghỉ việc không? Theo Khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức 2010 (được bổ sung bởi Khoản 4 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp động làm việc của viên chức như sau:
Viên chức có 02 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ.
Viên chức bị buộc thôi việc theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 52 và Khoản 1 Điều 57 của Luật này.
Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khoẻ của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc.
Do thiên tai, hoả hoạn hoặc các lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn.
Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.
Như vậy, hiện có tổng cộng 06 trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức. Nếu một viên chức bị rớt vào các trường hợp trên đây thì sẽ bị chấm dứt hợp đồng, việc đó đồng nghĩa với viên chức bị cho nghỉ việc.
Xem thêm: Mẫu Đơn Xin Nghỉ Việc Của Viên Chức, Công Chức Nhà Nước 2023
Trên đây là một số thông tin về những điều viên chức không được làm theo quy định của pháp luật hiện hành. Hy vọng, đây là tài liệu tham khảo hữu ích giúp bạn nắm rõ được nghĩa vụ của viên chức, viên chức có bị kỷ luật hay không, ai có thẩm quyền kỷ luật viên chức và trong trường hợp nào thì viên chức bị cho nghỉ việc.
Mẫu CV hot theo ngành nghề